Tìm hiểu của Dân Việt được biết, năm 2004, một dự án phi Chính phủ của Mỹ đưa cây nấm về trồng tại xã Đồng Cam (nay là xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Dự án hỗ trợ bà con nông dân từ giống, kỹ thuật, vật liệu và cơ sở vật chất lán trại kéo dài trong 5 năm.
Tuy nhiên, do quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chậm vì người tiêu dùng chưa thật sự quen dùng sản phẩm này, nên ngay sau khi dự án ngừng tài trợ cũng là lúc người dân quay lưng với nghề.
Cho tới năm 2011, Hợp tác xã (HTX) nấm Đồng Cam được thành lập, nhờ đó cây nấm ở đây dần phục hồi và có cơ hội phát triển, mở rộng quy mô.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm HTX nấm Đồng Cam, nhận thấy cây nấm vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn nên ông đã ấp ủ ước mơ làm giàu từ trồng nấm. Nghĩ là làm, năm 2011, ông thành lập HTX trồng nấm với mong muốn có nhiều người địa phương thoát nghèo, có kinh tế khá giả.
Cũng theo ông Thành, cuối năm 2011, được sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện Cẩm Khê và chính quyền xã, ông đã vận động hơn 20 hộ dân chung vốn thuê khoảng 2.000m2 mặt bằng, rồi thu gom hơn 5 tấn rơm, rạ về ủ nấm. Thuận lợi của HTX khi đi vào sản xuất là hầu hết xã viên đều đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nấm.
Chỉ sau hơn 3 tháng, vườn nấm của HTX đã cho thu hoạch những sản phẩm đầu tiên với một số loại: Nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm.
Sau thời gian phát triển, đến nay, quy mô trồng nấm của HTX ngày càng mở rộng. Hiện, mỗi ngày, HTX sản xuất được khoảng 100kg nấm tươi và sản phẩm có bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Trung bình mỗi năm, HTX thu về nhiều tỷ đồng từ tiền bán nấm.
Ông Thành cho biết thêm, trồng nấm không những tận dụng được nguồn phế thải từ nông nghiệp mà còn tạo ra một nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Mỗi năm có 2 vụ làm nấm. Nấm sò, nấm mỡ được trồng từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Nấm rơm lại được trồng từ tháng 5 đến tháng 7, cũng là thời điểm sau gặt lúa. Ngoài ra, HTX còn sản xuất nấm rơm trái vụ, nấm linh chi, mộc nhĩ.
Cũng theo ông Thành, để có những vựa nấm đạt chất lượng, năng suất cao, phải chuẩn bị kỹ càng từ việc chọn nguyên liệu rơm, ủ rơm, chọn giống, làm meo nấm, chăm sóc... Đặc biệt, nấm rơm có đặc tính ưa môi trường ẩm ướt, phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, do vậy việc căn ke độ ẩm, nhiệt độ trong khi trồng nấm rơm là rất quan trọng.
Trước khi ủ rơm trồng nấm, rơm cần được xử lý bằng nước vôi, sau đó lấy nylon hoặc lá chuối ủ quanh để giữ ẩm và nhiệt. Sau khi rơm ủ đạt tiêu chuẩn, người trồng tiến hành bốc dỡ rơm xếp thành những mô nấm để rắc meo.
Khi thấy nấm bắt đầu lên, người trồng cần theo dõi nhiệt độ, độ ẩm của mô để điều chỉnh lượng nước. Bên cạnh đó, người trồng cũng cần điều chỉnh ánh sáng trong nhà trồng nấm sao cho phù hợp. Sau khi rải meo và ủ, chỉ khoảng 12-14 ngày sau là đã có thể thu hoạch nấm rơm.
Theo ông Thành, cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, HTX nấm Đồng Cam sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lán trại, sức chứa có thể lên đến hàng chục vạn bịch nấm/đợt. Đồng thời, HTX sẽ đầu tư hệ thống giàn tưới, lò làm lạnh nhằm giảm công chăm sóc, tăng năng suất. Những loại nấm cao sản, có giá trị kinh tế cao như: Nấm kim châm, đùi gà, đầu khỉ… cũng sẽ dần được đưa vào trồng, tăng thu nhập cho xã viên.
Theo Việt Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/phu-tho-loi-thu-vut-di-ngoai-dong-ve-nha-de-trong-loai-cay-an-ngot-nhu-mi-chinh-nong-dan-thu-tien-ty-20200928000722184.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã