Chuyện mới
Vừa gặt xong đám ruộng bậc thang, để giải phóng đất chuẩn bị cho trồng cây vụ đông, đồng chí Bàn Văn Tranh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pắc Củng kể rằng, ngày mới về định cư ở đây từ những năm 80 của thế kỷ trước, thôn chỉ có hơn chục nóc nhà, điều kiện kinh tế gặp muôn vàn khó khăn, người trồng cây sắn ở đầu nương thì phía sau lợn rừng ra phá. Người thả gà ở đầu nhà thì cuối nhà cầy cáo rập rình. Ngửa mặt bốn phía toàn là rừng xanh, đâu đâu cũng mịt mù mây khói.
Thế rồi cùng với các nguồn vốn Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo của Chính phủ, đất và người Pắc Củng đã có cơ hội để đi lên. Ngoài cây ngô, cây lúa thì chăn nuôi cũng đang là hướng đi giảm nghèo ở Pắc Củng. Bằng việc khuyến khích, động viên tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng nên cuộc sống của người dân đã được cải thiện. Việc vay vốn ngân hàng cũng là “cuộc cách mạng” của người Pắc Củng, bởi với họ xưa nay vay nợ là điều gì đó không tốt, nhưng khi nghe cán bộ bảo vay để làm ăn, vay để “bắt tiền sinh ra tiền” thì rồi mọi người đã nghe theo.
Trưởng thôn Bàn Văn Tranh bảo, “đấy, cho vay tiền đâu có dễ”, thế rồi nói đúng cái lý, cái tình, bà con đã điền những nét bút đầu tiên vào tờ đơn xin vay vốn. Vốn về, trâu bò được mua, lại có sự trợ giúp của cán bộ thú y nên đàn gia súc đã được nhân lên. Một nhà vay, một nhà làm, nhà khác thấy vậy cũng học theo. Đến nay, tổng đàn gia súc của thôn lên gần 300 con. Trâu, bò lớn đủ tuổi, ngoài việc dùng cho cày cấy thì được bán, tiền gốc được trả, lãi đã sinh sôi nên người dân đã có nguồn thu nhập ổn định.
Đơn vị thi công đang san gạt mặt bằng để làm đường bê tông nông thôn tại trục đường chính của thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (Na Hang). |
Gia đình anh Lý Văn Đùi có 2.000 m2 đất trồng lúa, trong đó có gần 700 m2 đất trồng lúa 2 vụ. Anh Đùi chia sẻ, trước đây vì không biết cách làm ăn, đồng ruộng hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời nên mỗi khi giáp hạt là thiếu lương thực. Nhưng từ khi anh và gia đình thay đổi cách làm, cải tạo đồng ruộng nên có đủ lương thực để ăn. Ngoài ra, gia đình anh còn vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua trâu sinh sản và nuôi dê thương phẩm. Đến nay, gia đình anh đang nuôi 4 con trâu, gần 20 con dê, 2 con lợn nái. Bán trâu, bán dê, lợn, anh Đùi đã thoát nghèo có tiền mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Trước đây, do nhận thức về việc học còn hạn chế nên đám trẻ thường phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà làm nương, làm ruộng. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bàn Văn Tranh lại lặn lội đến từng nhà nói “cái lý”, rằng: “Hạt ngô để trong bao không mọc mầm, không thành cây, thành bắp ngô được. Trẻ con không đi học đều, không biết cái chữ, sau này không làm được gì đâu”. Lâu dần, bà con nghe ra, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong thôn tăng lên rõ rệt. Học sinh đi học đều rồi, anh Tranh vui lắm. Hiện nay anh Tranh cũng đang theo học ngành Quản lý Nhà nước của trường Đại học Thành Đông (Hải Dương) liên kết mở lớp tại thị trấn Na Hang (Na Hang). Anh Tranh bảo: “Mình làm cán bộ trước hết phải làm gương cho bà con, có như vậy thì khi đem ra bàn bạc công to việc lớn bà con mới nghe mình”. Hiện nay, 100% trẻ em trong thôn đều đến trường học chữ.
Luồng gió nông thôn mới
Pắc Củng được đánh giá là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Thượng Nông. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để mua đất xây trường mầm non, san gạt nền đường giao thông, kênh mương... Đa số các hộ trong thôn đều có công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn, làm chuồng trại gia súc xa nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Năm 2019, thôn có 40/45 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Tuyến kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn tại thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (Na Hang) được đầu tư xây dựng phục vụ tưới tiêu cho hơn 10 ha lúa 2 vụ của thôn. |
Với cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, anh Tranh đau đáu mong muốn nâng cao đời sống người dân. Đất đai canh tác chưa được phát huy là bởi nguồn nước chưa được cải thiện. Do đó, Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như “bà đỡ” để đồng ruộng quê anh lên hương. Anh Tranh đưa ra các nội dung phần việc của thôn cần phải làm qua các buổi họp thôn để bàn bạc và tiến hành cải tạo hệ thống kênh mương để tăng diện tích 2 vụ cho bà con. Năm 2018, thôn đăng ký làm 200 m kênh mương bằng bê tông đúc sẵn cho 1 tuyến, đảm bảo tưới cho hơn 2 ha lúa từ 1 vụ thành 2 vụ. Bà con thấy được lợi ích nên năm 2019, làm thêm 779 m kênh mương để làm đường dẫn nước cho tuyến 2, cấp nước cho thêm 3 ha đất 1 vụ thành đất 2 vụ.
Đến nay, toàn thôn đã hoàn thành được gần 1 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thôn. Với sự nỗ lực cố gắng của người dân Pắc Củng, tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thôn Pắc Củng đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của người dân, Pắc Củng đã thay đổi, nghèo đói được đẩy lùi, no ấm đang về... Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bàn Văn Tranh khẳng định.
Bài, ảnh: Quốc Việt
Nguồn tin: nongthonmoituyenquang.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã