Đoàn kiểm tra đi của Thành phố đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại trang trại lợn ở huyện Đông Anh. Ảnh: Thiện Tâm. |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, năm 2020 đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Ngành Chăn nuôi Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không nằm ngoại lệ. Những ảnh hưởng trực tiếp như: Lưu thông vận chuyển gia súc gia cầm, nhập nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, giá thành thức ăn chăn nuôi tăng, biến động thất thường; giá sản xuất đầu vào, đầu ra không ổn định; trực tiếp làm biến động giá thành trong chăn nuôi. Đơn cử như giá lợn vừa ảnh hưởng đại dịch COVID-19, vừa ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi nên đã có lúc lên trên 90 nghìn đồng/kg (lợn hơi), giá gà lên tới gần 100 nghìn đồng/kg. Việc giá thành gia súc, gia cầm tăng làm cho các nhà chăn nuôi khó tính toán, đầu tư cầm chừng. Mặt khác do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cộng thêm với diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, khi dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, bệnh mới “Viêm da nổi cục trên trâu bò” lại xuất hiện ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người chăn nuôi.
Công tác quản lý chăn nuôi, quản lý dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do phải đồng thời vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long gia súc, tai xanh, cúm gia cầm ...
Năm 2021, diễn biến dịch bệnh COVID-19 lại tiếp tục có chiều hướng phức tạp hơn, nhiều ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng càng làm cho công tác quản lý chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật khó khăn. Đặc biệt có những vùng, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Phát huy sức mạnh từ cán bộ Thú y cơ sở
Xác định những khó khăn trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành Thú y Hà Nội đã và đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kép vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý. Trong đó việc xác định cho công chức viên chức, người lao động toàn ngành hiểu rõ nhiệm vụ đang làm, đang thực hiện là bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân về động vật và sản phẩm động vật tiêu thụ hàng ngày. Mặt khác cần phải bảo đảm cung ứng hằng ngày thực phẩm đến tay người tiêu dùng, vì vậy lực lựng cán bộ làm thú y hằng ngày tại các cơ sở giết mổ phải thực hiện tốt để giúp cho người dân sử dụng thực phẩm được an toàn... Có thể nói năm qua những cán bộ thú y trên địa bàn các xã thị trấn, nhất là cán bộ thú y làm việc tại các lò mổ đã làm tốt chuyên môn giúp cho việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, việc khống chế ngăn chặn dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm trong bối cảnh con người đi làm việc phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường đều phải tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh. Không những vậy những bệnh trên đàn gia súc gia cầm cũng nhiều bệnh có khả năng lây nhiễm sang người (như bệnh Dại, Cúm gia cầm, Liên cầu khuẩn ở lợn ...). Mỗi người cán bộ thú y đều phải nâng cao cảnh giác bằng những hành động cụ thể, thực hiện nghiêm về bảo hộ lao động. Tại các cơ sở giết mổ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã yêu cầu chủ hộ thực hiện nghiêm việc bố trí các bàn sát khuẩn, quản lý tốt việc người ra vào cơ sở giết mổ, đặc biệt việc nhập gia súc gia cầm về cơ sở phải đảm bảo tốt các quy trình phòng bệnh từ khâu sát trùng phương tiện đến việc hướng dẫn chủ hộ kinh doanh, người tham gia vận chuyển động vật sản phẩm động vật chủ động sát khuẩn, tự bảo hộ cá nhân theo quy định của ngành y tế.
Với các cơ sở giết mổ lớn, cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối như: Chợ đầu mối Hà Vĩ (Thường Tín), chợ đầu mối Hải Bối (Đông Anh), cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì... ngành Thú y đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương và Ban quản lý chợ, Ban quản lý cơ sở giết mổ thực hiện tốt các giải pháp vừa phòng chống COVID-19, vừa phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm. Hằng ngày cán bộ thú y vừa thực hiện nghiêm các quy định của ngành Y tế, vừa tuyên truyền vận động để mọi người dân, hộ kinh doanh, người tiêu dùng cùng tham gia. Từ kết quả này đã góp phần bảo đảm cho mọi người (kể cả cán bộ thú y đi làm nhiệm vụ) không bị lây nhiễm, năm 2020 mặc dù diễn biến dịch bệnh phức tạp song dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm ổn định, không để dịch lớn xảy ra.
Đặc biệt, năm 2020 ngành Thú y đã thực hiện 6 đợt tổng tẩy uế môi trường với diện tích đã được tiêu độc khoảng 465 triệu m2. Đồng thời công tác tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm cũng là giải pháp hữu hiệu để chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lực lượng thú y không quản ngại gian nan, vất vả vẫn thực hiện tốt các đợt tiêm phòng đại trà, hằng ngày tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đến nay Thành phố có tổng đàn gia súc gia cầm đứng tốp đầu cả nước, với đàn gia cầm khoảng 39,5 triệu con, đàn lợn khoảng 1,4 triệu con, đàn trâu bò 160 ngàn con. Tăng trưởng ngành chăn nuôi tăng mạnh tạo bước đột phá cho ngành Nông nghiệp có bước tăng trưởng 4,2 % trong năm 2020. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của ngành Thú y mà trực tiếp là hệ thống thú y từ Thành phố, đến huyện và các xã, thị trấn.
Năm 2021, cơ hội về phát triển chăn nuôi lớn song thách thức cũng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh đó thời tiết khí hậu có nhiều biến đổi bất thường, môi trường ô nhiễm nặng dịch bệnh đàn gia súc gia cầm cũng có nguy cơ lây nhiễm bùng phát cao. Ngành Thú y đã và đang xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm vừa phòng chống COVID-19 đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Điển hình như tập trung phát triển giống chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết, thức ăn chăn nuôi cho phát triển chăn nuôi bò. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho giết mổ tập trung để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường quản lý chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để tạo sự đồng bộ giúp cho chăn nuôi phát triển hiệu quả bền vững. Thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn về tiêm phòng giám sát dịch bệnh, tổng tẩy uế môi trưởng để vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm cũng chính là hạn chế các bệnh truyền lây giữa người và động vật trong đó có dịch bệnh COVID-19.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/nganh-chan-nuoi-tap-trung-thuc-hien-tot-nhiem-vu-kep
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã