Theo anh Nguyễn Đức Thành ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, người được giới thiệu nuôi thành công tôm càng xanh đầu tiên tại Tây Nguyên chia sẻ, ưu điểm của tôm càng xanh là thích ứng rất tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Tôm có kích thước lớn, thịt thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng và là mặt hàng có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư nuôi tôm càng xanh lại khá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ thất bại nếu người nuôi không nắm vững kỹ thuật. Do đó, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cũng như cho năng suất, sản lượng cao, người nuôi cần phải nắm rõ tập quán sinh sống, chọn con giống rõ nguồn gốc, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, thả với mật độ thưa. Ngoài ra, thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều cũng không quá ít, đặc biệt cần chú trọng đến khâu cải tạo, xử lý nguồn nước.
Trước đó, năm 2017, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng cộng tham quan thực tế một số mô hình nuôi tôm tại các tỉnh miền Tây, anh Thành mạnh dạn nuôi giống tôm càng xanh trong ao cá, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên 2 vụ tôm đầu tiên anh Thành bị thất bại bởi tỷ lệ tôm giống hao hụt quá lớn.
Không bỏ cuộc, năm 2019, anh Thành tiếp tục đầu tư mua thêm 30.000 tôm giống càng xanh về nuôi, lần này tôm sinh trưởng và phát triển tốt hơn, tỷ lệ tôm giống hao hụt tuy vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể so với lần thử nghiệm đầu. Lứa đó, gia đình thu được hơn 200kg tôm càng xanh, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư anh vẫn lãi được gần 30 triệu đồng.
Năm 2020, anh Thành tự tin hơn và dành cả 6 ao nuôi tôm càng xanh, với diện tích 1ha, anh thả hơn 100.000 con giống tôm càng xanh. Nguồn thức ăn cho tôm, anh Thành không sử dụng cám công nghiệp mà chủ yếu dùng sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như: ngô và đậu nành, đồng thời kết hợp một phần từ các loại cá tạp để bổ sung thêm dinh dưỡng cho đàn tôm.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, sau 8 tháng nuôi, tôm càng xanh của gia đình anh Thành đã có thể xuất bán, đạt tỷ lệ từ 9 đến 14 con/kg, đặc biệt có những con đạt trọng lượng 2 lạng/con, giá bán trung bình từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Hiện, gia đình anh Thành đang bắt đầu thu hoạch tôm càng xanh, ước tính sản lượng sẽ đạt từ 500 - 700kg.
Từ thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Nguyễn Đức Thành, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân Tây Nguyên.
Theo Trung Dũng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/nuoi-thanh-cong-tom-cang-xanh-o-tay-nguyen-d284397.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã