Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh liên kết chuỗi
Vụ đông, vụ xuân, diện tích trồng rau được mở rộng, kết hợp với thời tiết thuận lợi nên sản lượng cao. Những ngày vừa qua, giá rau xanh tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội chỉ bằng 1/3 so với trước đó. Thế nhưng, tại các vùng trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, rau vẫn được thu mua với giá ổn định. Thực tế đó cho thấy, để có “đầu ra” ổn định, cần phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hà Nội, vụ đông 2020, toàn thành phố gieo trồng 28.351ha rau màu các loại. Đến nay, diện tích cây vụ đông đã thu hoạch đạt 27.127,9ha. Cùng với sản xuất vụ đông, Hà Nội cũng đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ xuân được 7.104,7ha, chủ yếu là: Ngô, lạc, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại...
Về sản xuất rau của Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện nay, hạ tầng thủy lợi, giao thông được đầu tư xây dựng đến tận chân ruộng. Thành phố và các huyện cũng đều có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất rau, màu vụ đông, vụ xuân sau 2 vụ lúa chính trong năm, do vậy, diện tích được mở rộng. Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, thời tiết thuận lợi nên rau màu phát triển tốt, sản lượng cao.
Khảo sát tại các vùng trồng rau của Hà Nội cho thấy, giá bán rau giữa các vùng trồng rau an toàn có liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp và các vùng trồng rau tự phát có sự chênh lệch nhau. Cụ thể, giá súp lơ xanh bán tại các vùng trồng không có liên kết chuỗi là 3.000 đồng/cây, su hào 2.000 đồng/củ, cà chua 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các vùng trồng có liên kết chuỗi, giá cao hơn: Súp lơ xanh là 5.000 đồng/cây, su hào 3.000 đồng/củ, cà chua 10.000 đồng/kg…
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, hợp tác xã đã đứng ra xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, với hơn 60% số xã viên đăng ký tham gia - tương đương sản lượng rau thu hoạch trên tổng diện tích gần 20ha. Đặc biệt, xã có 5ha rau trồng trong nhà lưới được các đơn vị bao tiêu sản phẩm thu mua ổn định, giữ giá theo hợp đồng.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận định: “Với diện tích và sản lượng rau màu như hiện nay, Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố. Hà Nội mới chỉ đáp ứng 65% nhu cầu rau xanh, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố. Việc dư thừa rau vào những thời điểm nhất định trong năm chỉ mang tính thời vụ".
Những năm gần đây, sản xuất rau an toàn có những bước phát triển đáng ghi nhận, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Trên thực tế, với những diện tích sản xuất có liên kết theo chuỗi, giá bán sản phẩm luôn ổn định so với diện tích rau không có liên kết. Và có thể khẳng định, việc phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ nông dân, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Hà Nội.
Để thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngoài việc định hướng để nông dân sản xuất tập trung chuyên canh rau an toàn trên quy mô lớn, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hai bên cùng có lợi.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu UBND thành phố bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rau an toàn theo chuỗi, hỗ trợ hơn nữa cho khâu tiêu thụ, trực tiếp là người bán hàng.
Thanh Hóa: Đột phá trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp vẫn còn tình trạng phát triển với quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản. Đồng thời, tăng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN).
Chúng tôi đến xã Hà Lĩnh (Hà Trung) vào thời điểm diện tích khoai tây được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Viva chuẩn bị thu hoạch. Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân bởi họ không còn lo lắng về việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hương (xã Hà Lĩnh), cho biết: Khi thực hiện hợp đồng liên kết với công ty, các hộ dân tham gia sản xuất được hỗ trợ về giống có chất lượng cao, canh tác theo quy trình riêng biệt để tạo ra sản phẩm an toàn; từ đó làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Viva đang ký kết hợp đồng thu mua với giá 7.200 đồng/kg và diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm là 10 ha.
TIN TÀI TRỢThực tế cho thấy, từ mối liên kết giữa người dân với DN đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua; nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định, điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa nếp hạt cau, liên kết sản xuất và bao tiêu dưa chuột, liên kết sản xuất và bao tiêu khoai tây...
Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hà Trung, cho biết: Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai theo nhiều hình thức để thu hút DN đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm thu hút DN đầu tư phát triển nông nghiệp...
Là một trong những DN phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gạo, Công ty CP Sao Khuê đã tích cực mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với người dân ở các huyện, như Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Thọ Xuân,... với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Theo đó, công ty cung ứng trả chậm vật tư nông nghiệp, giống để người dân yên tâm sản xuất; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, xử lý sâu bệnh hại và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm ngay sau khi thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Qua mô hình này, người nông dân luôn yên tâm về đầu ra của sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, về phía DN thì có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được 890 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 176 DN tham gia trong lĩnh vực trồng trọt. Trong năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 60.500 ha cây trồng các loại được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như lúa, cây rau màu... Tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hầu hết các HTX và người dân cũng đã chú trọng đến hình thức liên kết chuỗi giá trị do DN đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm cho người dân.
Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành, tạo vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy hiệu quả của việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân đã và đang được khẳng định nhưng để việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thực sự phát triển bền vững thì các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần có kế hoạch phát triển cụ thể, rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Vĩnh Phúc: Đưa “tinh hoa” của núi rừng vươn xa
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống sấy hiện đại, sau gần 4 năm có mặt ở Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tam Đảo, xã Tam Quan (Tam Đảo) đã bảo tồn và phát triển được diện tích trồng trà hoa vàng, góp phần nâng tầm giá trị, đưa sản phẩm dược liệu quý này ngày càng vươn xa.
Bên ấm trà hoa vàng nóng hổi, chúng tôi được nghe câu chuyện về cơ duyên đến với lĩnh vực sản xuất, chế biến trà hoa vàng khi đã là chủ của 2 doanh nghiệp may mặc và điện tử từ một người đàn ông mới hơn 40 tuổi. Đó là anh Trịnh Hoàng Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tam Đảo. Anh tâm sự: "Sau khi mua lại nhà máy may ở Nam Định, tôi thường xuyên phải qua Nhật Bản gặp đối tác.
Mỗi lần qua đó, tôi đều lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để làm quà biếu. Trong số các sản phẩm đó, tôi thấy đối tác Nhật Bản rất ưa thích sản phẩm trà hoa vàng. Vì thế, tôi đã đi sâu vào tìm hiểu loại cây này.
Quyết tâm vượt qua khó khăn bước đầu, Ban Giám đốc Công ty đã họp, bàn và quyết định thuê thêm 1 kỹ sư nông nghiệp chuyên phụ trách chăm sóc cây; đồng thời, lắp đặt hệ thống giàn lưới che nắng, mưa và hệ thống tưới nước phun sương tự động nhằm kiểm soát độ ẩm trong không khí, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Đặc biệt, để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, công ty áp dụng quy trình trồng trà hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, tất cả các công đoạn từ xử lý đất, giống, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, đến thu hoạch, sơ chế... đều được giám sát chặt chẽ về chất lượng.
Theo anh Trọng, bộ phận giá trị nhất của cây trà hoa vàng là nhụy hoa. Vì thế, việc thu hoạch trà hoa vàng thường được thực hiện vào lúc sáng sớm để đảm bảo sau khi nở, các loại côn trùng chưa chạm vào nhụy.
Để nhân giống và mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng nguyên liệu, công ty xây dựng 1 vườn ươm với diện tích hơn 1.000 m2.
Với sự hỗ trợ tích cực của kỹ sư nông nghiệp cùng sự kiên trì, quyết tâm của Ban Giám đốc, từ 2 ha ban đầu, đến nay, công ty đã mở rộng được diện tích trồng trà hoa vàng nguyên liệu lên 10 ha, gồm 3 ha ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và 7 ha ở Thái Nguyên.
Cùng với việc mở rộng diện tích trồng trà, công ty đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy sấy lạnh công nghệ cao để chế biến trà. Với công nghệ này, hoa trà sẽ được làm khô sau khi đã cấp đông ở môi trường chân không trong máy. Vì thế, sau khi chế biến, hoa trà vẫn giữ nguyên được màu sắc và hàm lượng chất dinh dưỡng nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Sau gần 4 năm có mặt ở Vĩnh Phúc, mô hình sản xuất và chế biến trà hoa vàng của Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Tam Đảo đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.
Hiện, sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu. Ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, những sản phẩm này cũng đã tiếp cận được với thị trường Nhật Bản.
Theo tính toán của anh Trọng, chỉ tính riêng từ đầu vụ thu hoạch (tháng 10 Âm lịch năm 2020) đến nay, công ty đã thu hái và chế biến được gần 2 tấn trà hoa vàng tươi (tương đương với hơn 2 tạ trà khô).
Hoa trà thu hoạch, chế biến đến đâu bán hết đến đó, với giá bán bình quân từ 22 - 24 triệu đồng/kg trà khô. Hiện, công ty đang giải quyết việc làm cho 7 lao động, với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với các nhà nghiên cứu khoa học để sưu tầm và bảo tồn nguồn gen cây trà hoa vàng quý hiếm; tích cực nhân giống và mở rộng vùng trồng trà hoa vàng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm xây dựng 1 trạm dừng chân ở xã Đại Đình để giới thiệu và bán sản phẩm trà hoa vàng cho những du khách đến hành hương, vãn cảnh ở Tam Đảo, góp phần đưa sản phẩm dược liệu quý hiếm này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã