Bắc Ninh: HTX mong “đến gần” hơn với chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện với khá nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt. Tuy nhiên, do nội lực hạn chế và những yếu tố khách quan khác, các HTX rất khó khăn khi tiếp cận những ưu đãi của nhà nước.
Theo ông Đặng Đức Thính, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, kể từ sau khi “tăng tốc” thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại các HTX theo đúng Luật HTX năm 2012, công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác, HTX tại Bắc Ninh có những thay đổi tích cực.
Việc thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết, xây dựng và ban hành các chính sách về kinh tế tập thể như: bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX… được quan tâm hơn cùng với các chính sách chi tiết về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được sửa đổi, bổ sung hàng năm, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND thực hiện Đề án của Chính phủ: “Phát triển 15.000 HTX, liên minh HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”; HTX nông nghiệp liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020.
Từ đó, các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được các ngành, địa phương thường xuyên phối hợp thực hiện để đưa các HTX nông nghiệp điển hình, có hiệu quả sản xuất cao tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn như: BigC, Vincom....; khuyến khích các HTX có sản phẩm tiêu biểu tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP). Nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền được tổ chức thu hút đông đảo cán bộ, thành viên HTX qua đó, xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên đánh giá thực tế, chính sách dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể còn thiếu cụ thể, mới chủ yếu dừng lại ở giải pháp vận động, tư vấn, ít phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, chính sách thành lập mới HTX chỉ tập trung vào hỗ trợ cung cấp thông tin, tập huấn về quy định pháp luật HTX; hướng dẫn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã... Chưa có giải pháp phù hợp để khuyến khích, đưa cán bộ đã qua đào tạo, có năng lực quản lý và trình độ chuyên môn tương xứng về làm việc tại các HTX.
Đặc biệt, đến nay việc thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX xây dựng trụ sở và cơ sở dịch vụ sản xuất kinh doanh có nhiều bất cập. Vì thế, khi các đơn vị tín dụng yêu cầu phải có “sổ đỏ” làm tài sản thế chấp, thì nhiều HTX không có đất đai, trụ sở nên không thể vay vốn.
Mặt khác có một số HTX tiếp cận được các dự án hỗ trợ lại không có vốn đối ứng để tham gia. Một số thủ tục, hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi lại có quá nhiều tiêu chí mà hầu hết các HTX không đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh hàng năm mới giải ngân được cho khoảng hơn 80 HTX.
Ông Nguyễn Chí Mạnh, Giám đốc HTX chăn nuôi thủy sản Mạnh Hồng, thôn Lạc Hoài (Song Hồ, Thuận Thành) bày tỏ: “Chúng tôi vỡ đất, chuyển đổi ruộng trũng thành mô hình trang trại nuôi cá, thả sen kết hợp nuôi lợn, trồng cây ăn quả với tổng diện tích 24 ha nên nhu cầu vốn duy trì hoạt động là rất lớn. Chỉ tính riêng chi phí thức ăn nuôi cá đã tới 2 tỷ đồng/năm. Gần đây, chúng tôi mới vay được 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ HTX Bắc Ninh quả thực quá thấp so với nhu cầu. Vì vậy, thực sự chúng tôi muốn được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với hạn mức và thời gian lớn hơn”.
Tương tự, dù có một vài cơ chế hỗ trợ kết nối đầu ra của sản phẩm nhưng do tính bền vững, ổn định còn thấp, việc tiêu thụ của các HTX phần lớn vẫn phải thông qua, phụ thuộc vào thương lái. Đến nay có 49 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, 23 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, con số rất nhỏ so với tổng số gần 600 HTX toàn tỉnh.
Là sản phẩm từ cơ chế thị trường, tuy nhiên, HTX còn có vai trò “dẫn dắt kinh tế hộ”, hỗ trợ, tạo điều kiện và định hướng cho kinh tế hộ thành viên vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Vì vậy, mục tiêu phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã cần được quyết liệt thực hiện thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo hướng “bà đỡ”, tạo đà cho HTX tự phát triển.
Đồng thời được thực hiện tiếp cận từ dưới lên, dựa trên nhu cầu của các HTX, thúc đẩy các mạng lưới hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các HTX với nhiều hình thức liên kết, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả… Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, cần phải bố trí nguồn lực và tăng cường việc hướng dẫn, kéo gần chính sách tới HTX để tiếp sức cho khu vực kinh tế này vươn lên.
Thanh Hóa: HTX góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Thạch Thành
Phần lớn các HTX trên địa bàn huyện Thạch Thành đã và đang tích cực đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thành viên, huy động vốn, đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh. Đồng thời, mua sắm trang thiết bị máy móc để mở rộng dịch vụ cơ giới hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất của các thành viên và Nhân dân, như: máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy nâng và bốc mía, máy trồng mía, máy tưới mía; cải tạo, nâng cấp lưới điện, trạm bơm, duy tu, bảo dưỡng, làm mới kênh nội đồng...
Phát triển mở rộng các khâu dịch vụ sản xuất rau an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh môi trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng, vận tải. Thông qua các khâu dịch vụ, HTX ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của các thành viên; đồng thời, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, trên địa bàn hiện có 42 HTX (tổng số thành viên 13.638 người, tổng số lao động trong các HTX là 1.206 người); trong đó, HTX dịch vụ nông nghiệp 34, HTX thương mại 2, HTX tiểu thủ công nghiệp 1, HTX vận tải 3, HTX tổng hợp 2. Về hoạt động, 42/42 HTX trên địa bàn đã thực hiện đăng ký lại, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và hiện có 13 HTX đạt khá trở lên, 20 HTX trung bình, 4 HTX yếu kém và 5 HTX không phân loại; thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong HTX là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong những năm qua, sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã chủ động, năng động hơn trong việc tìm kiếm hợp tác, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, dịch vụ với các doanh nghiệp để cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu, ngô dày, rau củ, quả các loại. Việc thực hiện các khâu dịch vụ gắn với gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bốc xếp, thu mua, nhập về cho đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Các HTX lựa chọn các giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, sức chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất, áp dụng các công nghệ mới trong chăm sóc cây con, như: Công nghệ “Tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM” cho cây mía, cây cam. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiêp, ứng dụng thực nghiệm khoa học vào sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho cây rau; sản xuất nông nghiệp không hóa chất trong cây lúa, cây rau, chăn nuôi lợn, gà.
Đi đôi với đó, nhiều HTX cũng đã đầu tư xây dựng khu nhà lưới để sản xuất rau, quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số HTX có khả năng mở rộng quy mô thành HTX gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các vùng sản xuất chuyên canh cây mía, cây ăn quả, cây con đặc sản, như: HTX nông nghiệp tổng hợp Thành Long, HTX nông nghiệp Thạch Cẩm, HTX nông nghiệp Thành Công,...
Hiện nay, có nhiều HTX trên địa bàn có huyện có tiềm năng tham gia phát triển các sản phẩm OCOP và tập trung ở một số nhóm hàng hóa, như: cây con đặc sản, gạo nếp hạt cau, nông sản chế biến, rau an toàn, cây ăn quả có múi, mật ong... Đến nay, có 2 HTX thương mại - dịch vụ, hoạt động tương đối ổn định và có bước phát triển khá và đang tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh; đồng thời, làm tốt công tác tổ chức, quản lý nên hiệu quả kinh doanh được nâng lên; đồng thời, mở rộng kinh doanh, tham gia vào hoạt động quản lý, khai thác chợ, vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân và thành viên HTX.
Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo để các HTX cải cách có hiệu quả phương thức kinh doanh, tiết kiệm chi phí, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm, các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất để có đủ ưu thế và năng lực cạnh tranh với các thành phần kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ký hợp đồng với HTX, với nông dân để chế biến và tiêu thụ nông sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của các HTX, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Hưng Yên: Sản xuất nhãn “sạch” nhờ tham gia HTX
Những năm gần đây, nhãn Hưng Yên có sức hấp dẫn với người tiêu dùng bằng chất lượng thơm ngon và ngày một “sạch” hơn nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy định sản xuất theo quy trình VietGap…
Với 1,2 mẫu nhãn được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGap, anh Nguyễn Duy Quý ở xã Nhật Tân (Tiên Lữ) hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm, bởi toàn bộ sản lượng đã được thương lái đặt mua từ đầu vụ.
Anh Quý cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng nhãn chủ yếu theo kinh nghiệm. Năm 2018, tham gia Hợp tác xã (HTX) cây ăn quả xã Nhật Tân, tôi bắt đầu sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nhãn sạch, sản phẩm làm ra được khách hàng tin tưởng đặt mua với số lượng lớn.
Toàn huyện Tiên Lữ hiện có trên 400ha diện tích trồng nhãn, trong đó có 45ha được chứng nhận VietGAP, tập trung tại các xã như: Nhật Tân, Hải Triều, Hưng Đạo, Thủ Sỹ. Thời điểm này, các hộ tham gia mô hình sản xuất nhãn VietGAP đã và đang thu hoạch với năng suất ổn định; giá bán cao gấp 2 – 2,5 lần so với nhãn chính vụ.
Ông Nguyễn Đức Lăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Sản xuất nhãn theo quy trình VietGap đã từng bước thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người nông dân. Bởi tham gia mô hình, người trồng phải nghiêm túc thực hiện các quy định sản xuất nhãn sạch theo quy trình khép kín từ khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc đến khi thu hoạch... Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nhãn VietGap tại các xã như: Ngô Quyền, Thiện Phiến với diện tích khoảng 10ha/xã…
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, Giám đốc HTX nhãn Miền Thiết cho biết: Hiện nay, toàn xã Hàm Tử có 270ha trồng nhãn, trong đó 187ha đã được chứng nhận VietGap; 4ha sản xuất theo hướng hữu cơ; diện tích còn lại sản xuất theo quy trình VietGap. Với mong muốn đưa sản phẩm nhãn vươn xa, năm 2018 xã đã thành lập Ban quản lý VietGap, trong xã có 1 HTX và 10 tổ hợp tác sản xuất nhãn. Hằng năm, Ban quản lý xây dựng kế hoạch, tuyên truyền đến người dân mô hình sản xuất nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể như: Áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc cây; hướng dẫn cách bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường... Từ đó chất lượng quả được nâng cao, tạo được thương hiệu trên thị trường, được bán tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, Hưng Yên hiện trồng 4.845ha nhãn, trong đó có khoảng 4.200ha cho thu hoạch. Thời gian qua, được sự quan tâm của các ngành chức năng, nông dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mở rộng mô hình thâm canh nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, qua đó góp phần làm tăng giá trị thu nhập và tạo uy tín đối với người tiêu dùng. Đến nay, tổng diện tích đã được chứng nhận VietGAP của toàn tỉnh là trên 750ha.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã