Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống công trình thủy lợi hiện có và ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi, bảo đảm yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp có tưới là quyết sách đúng đắn nhất hiện nay. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Ban quản lý T.Ư các Dự án Thủy lợi (CPO) Trần Quang Hoài cho biết, trong những năm qua, phát triển thủy lợi đã tăng diện tích tưới cho ngành trồng trọt thông qua việc tạo nguồn, ngăn mặn, cải tạo chua phèn, tiêu úng và phòng, chống thiên tai. Những việc này đã tạo điều kiện cho lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi chủ động chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. Qua đó có thể thấy cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã góp phần quan trọng để ổn định, bảo đảm an ninh lương thực và tăng giá trị xuất khẩu, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Mặc dù có nhiều thành tựu nhưng trong quá trình phát triển, thủy lợi vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong quản lý khai thác. Trước yêu cầu của đổi mới phát triển kinh tế đất nước, những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi ngành thủy lợi phải có những chuyển biến, giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến giải pháp khoa học công nghệ phục vụ cho các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thủy lợi giai đoạn tới sẽ cần hướng tới các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, như áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản, ứng dụng những công nghệ tiên tiến với nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống thiên tai.
Thực tế cho thấy, hiện trên địa bàn cả nước đã có nhiều địa phương áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây trồng chủ lực có lợi thế như cà-phê, hồ tiêu, thanh long, mía... mang lại hiệu quả rõ rệt không chỉ về năng suất, sản lượng mà còn tiết kiệm nước, giảm lượng phân bón cho cây trồng, góp phần thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Lê Thị Kim Cúc thì việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp nước ta vẫn còn hạn chế, đến nay mới được khoảng hơn 28.400 ha, trong đó tưới nhỏ giọt hơn 21.200 ha. Do đó, trong quá trình lập dự án quy hoạch thủy lợi cho các vùng có cây trồng cạn chủ lực, có quy mô sản xuất lớn, cần quy hoạch mẫu cho một số vùng trọng điểm gắn công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với các biện pháp nông nghiệp khác, như giống, chăm sóc, bảo vệ thực vật, tổ chức sản xuất... để tổ chức nhân rộng, phục vụ tái cơ cấu ngành.
Tái cơ cấu ngành thủy lợi nằm trong tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với mục tiêu nâng cao thu nhập của người nông dân. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, thủy lợi đang hướng tới phục vụ cho đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt là thủy lợi cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản, thủy lợi phục vụ cho phương thức canh tác tiên tiến, thủy lợi phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Nhiệm vụ trước mắt hiện nay là phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại, đẩy mạnh trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực như cà-phê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả... Trọng tâm là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải miền trung và miền núi phía bắc.
Hiện hệ thống thủy lợi ở nước ta ngày càng được quan tâm đầu tư, đến nay ngoài 6.648 hồ chứa còn có khoảng 10 nghìn trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234 nghìn km kênh mương, 25.960 km đê các loại. Hệ thống thủy lợi đã phục vụ tưới hơn 7,3 triệu ha lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cung cấp khoảng 6 tỷ m 3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn cho 1,6 triệu ha và tiêu nước cho hơn 1,72 triệu ha đất nông nghiệp.
Trước mắt, ngành nông nghiệp các địa phương cần rà soát quy hoạch thủy lợi trên địa bàn phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã