Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của nước ta và những năm qua đã có nhiều chuyển biến đáng phấn khởi. Tuy vậy, đời sống của bà con nông dân hiện vẫn còn nhiều bấp bênh và khó khăn vì luôn trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, việc canh tác còn manh mún, lạc hậu. Tại TPHCM, dù điều kiện thực tế có khác đi đôi chút nhưng nông dân vẫn là một trong những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, luôn cần đến sự quan tâm hỗ trợ từ phía chính quyền và ban ngành các cấp.
Áp lực đặc thù rõ nét nhất tác động lên khu vực nông nghiệp - nông thôn TPHCM đến từ tốc độ đô thị hóa. Thực tế hiện nay cho thấy, diện tích đất dành cho nông nghiệp tại các quận 9, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức ngày một thu hẹp. Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất và tính cạnh tranh cho các sản phẩm ở địa bàn. Tại quận Thủ Đức, ông Huỳnh Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân quận chia sẻ thực trạng của địa phương: "Theo số liệu đầu năm, Thủ Đức có 58 Chi hội. Chúng tôi giải thể 4 Chi hội. Trong đó 3 Chi hội dân cư, một Chi hội ngành nghề.Tại vì Chi hội dân cư khi rà lại chỉ còn có 3 - 4 hộ nông dân, giờ giải thể, nhập qua chi hội của khu phố liền kề. Còn Chi hội ngành nghề thì trước Thủ Đức vừa có nhà trọ vừa có chăn nuôi sản xuất nông nghiệp. Giờ họ làm nhà trọ nên giờ giải thể Chi hội luôn".
Ở góc độ khác, so với tình hình sản xuất nông nghiệp cả nước hiện nay, TPHCM kiểm soát tốt dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng cũng như duy trì nền tảng chính sách và chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp ổn định. Tuy vậy, những mặt thuận lợi nêu trên vẫn không loại bỏ hết những khó khăn trong an sinh xã hội lẫn sản xuất của bà con ở các quận, huyện ngoại thành. Cụ thể như trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hoa mai và các loại hoa nền sức tiêu thụ đều giảm so với năm trước, lượng bán ra chỉ đạt 40%-50% so với cùng kỳ. Thực tế này cho thấy việc quan tâm giúp đỡ tái đầu tư cho người dân là hết sức cần thiết với vai trò đi đầu từ các cấp Hội Nông dân thành phố.
Quỹ Hỗ trợ nông dân là nguồn vốn lập ra không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm giúp đỡ nông dân, trước hết là nông dân nghèo có vốn sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn thành phố. Tuy nhiên, do quản lý ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập, sai sót dẫn đến chậm thu hồi vốn khiến việc cho tái vay hoặc vay mới của người nông dân gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, khẳng định sẽ giám sát công tác thông báo thu hồi vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp vốn mới: "Bây giờ thông báo thu hồi vốn là thành phố gửi cho huyện, quận. Huyện, quận gửi cho xã phường. Nhưng mà khâu từ xã phường để chuyển xuống Chi hội, để Chi hội chuyển cho hộ dân, việc này chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ. Tôi đi thử xuống hai xã phường, tôi không ghé huyện, quận. Tôi chạy xuống thử hai hộ, thì nghe nói: Anh ơi hổm rày tôi chưa biết, chứ tôi biết là tôi trả rồi. Thôi anh yên tâm, mai tôi trả cho. Phải nói các hộ cũng rất uy tín. Nhưng mà người ta không nhận thông tin là người ta đến hạn thu hồi luôn. Nhưng mà đúng là hộ anh ấy ngày mai họ trả. Huyện đã có thông tin tôi".
Việc chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo cũng là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Yêu cầu Hội nông dân các địa phương cần giám sát, nắm rõ tình hình các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương để chăm lo một cách chính xác và linh hoạt nhất, bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân thành phố, nhấn mạnh: "Ban giảm nghèo tăng hộ khá thành phố đã chỉ đạo là từ tháng 4 trở đi, là sẽ chỉ đạo ở dưới phúc tra hộ nghèo và hộ cần nghèo để mà khi có kết quả có danh sách hộ nghèo và cận nghèo rồi thì rà soát, khảo sát và nắm cho chắc danh sách này và gửi về Ban Kinh tế - Xã hội, trên cơ sở đó chăm lo cho chính xác".
Để khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành quyết định số 13/2013 tạo điều kiện cho nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015. Xác định thành viên, cán bộ hội viên Hội Nông dân là nhân tố chủ chốt trong việc xét duyệt những đề án xin vay vốn từ nông dân, hợp tác xã, trang trại, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố, cho rằng: "Về công tác hỗ trợ nông dân về vốn này kia thì mình có nhiều nhưng mà tôi đặc biệt lưu ý ở chỗ Quyết định 13. Nếu là thành viên thì chúng ta phải nắm cho kỹ số lượng người được vay là bao nhiêu.Trong đó hội viên là nông dân của mình là bao nhiêu. Bởi vì trong Quyết định 13 này vay không phải là riêng nông dân không, có đối tượng không phải là nông dân, có đối tượng là những trang trại. Để mình biết được vai trò của mình trong việc xét duyệt này là như thế nào".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã