Ảnh minh họa
Không giấu nổi niềm vui, nhiều hộ dân thôn Yên Nội xã Văn Tiến (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết: Trước đây, các tuyến đường nội thôn chủ yếu là đường đất, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính quyền các cấp, đến nay các ngõ và tuyến đường đã được bê tông hóa, rãnh thoát nước có nắp đậy và cạp lề đường bằng bê tông, đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân trong thôn. Nhờ hiệu quả sử dụng của tuyến đường bê tông, nhiều gia đình đã tập trung tăng gia phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.
Hệ thống giao thông nông thôn Vĩnh Phúc đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, làm cho giao thông nông thôn thay đổi một cách căn bản. Việc đi lại tiếp cận với các cơ sở dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện, chợ... đã được cải thiện đáng kể.
Đường giao thông đi lại thuận lợi đã làm giảm giá thành sản phẩm do tiết kiệm được chi phí vận chuyển và thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm để bà con nông dân có thêm thu nhập, đời sống dần được nâng cao.
Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 2.860/3.398km đường giao thông nông thôn (đạt 84,2%) và 267/1.115km đường trục chính giao thông nội đồng (đạt 24%) được cứng hóa. Có được kết quả đáng khích lệ trên, theo ông Phùng Quang Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh, là bởi Vĩnh Phúc đã có được sự đồng thuận từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tới mọi tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền vận động được triển khai dưới mọi hình thức trên cơ sở nòng cốt là các tổ chức đoàn thể; biết phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên… Ban chỉ đạo các xã bám sát đề án giao thông và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong chỉ đạo, phát động chiến dịch và triển khai thực hiện. Quan trọng nhất là dân được bàn, được tham gia giám sát công trình và được biết mọi vấn đề liên quan đến tài chính. Việc huy động vốn và quản lý sử dụng vốn quỹ giao thông luôn được minh bạch, được nhân dân tin tưởng; hầu hết các đường liên thôn xã, ngõ xóm do dân tự thu tự làm nên giá thành hạ, chất lượng đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt cơ chế điều hành; phát động chiến dịch đúng thời điểm; có cơ chế hỗ trợ hợp lý, tổng kết khen thưởng kịp thời… cũng là những yếu tố tạo nên sự thành công của phong trào làm giao thông nông thôn ở Vĩnh Phúc. Chẳng hạn, tại huyện Vĩnh Tường, Ban chỉ đạo chương trình giao thông nông thôn được thành lập từ rất sớm và do đồng chí Bí thư huyện uỷ trực tiếp làm Trưởng ban. Bám sát quy hoạch và đề án được duyệt, xây dựng kế hoạch cụ thể, phát động thi đua, có cơ chế kinh phí làm đường. Các xã tổ chức chiến dịch xây dung cứng hóa mặt đường, đạt 208,6% kế hoạch năm, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc.
Mục tiêu của Vĩnh Phúc là đến năm 2015 là 100% số xã hoàn thành cứng hóa đường giao thông nông thôn và 45% đường giao thông nội đồng đạt chuẩn. Trong đó: Tập trung hoàn thành kiên cố hoá 980km đường giao thông nông thôn (đường trục xã, liên xã: 270km; đường trục thôn, ngõ xóm: 710km).
Để phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, cũng như đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, theo ông Phùng Quang Hùng, các địa phương cần phải biết lồng ghép các chương trình, xác định đối tượng để huy động vốn đầu tư có mục tiêu, tránh dàn trải manh mún để không đạt mục tiêu này, góp phần xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc giàu - đẹp - văn minh.
Nguồn baoxaydung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã