Một giống lúa mới lạ hoắc ngay vụ đầu tiên đem về SX khảo nghiệm, người dân đã mê tít. Sang vụ thứ hai, không có giống, họ tự bỏ thóc thịt ra ngâm ủ để gieo, nhưng không thành. Đó là giống lúa Japonica (J03), sản phẩm nghiên cứu, chọn tạo của Viện Di truyền nông nghiệp.
Trời nắng như đổ lửa, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Di truyền nông nghiệp) vẫn cùng chúng tôi đi khắp cánh đồng khảo nghiệm lúa giống của Trung tâm Khảo nghiệm Giống cây trồng tỉnh Hải Dương. Ông hào hứng kể về quá trình nghiên cứu, SX các giống lúa Japonica rồi Indica, tay mân mê từng bông lúa.
Anh Bùi Công Hiển, Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khảo nghiệm GCT Hải Dương) cho biết, vụ xuân 2016, đơn vị đã phối hợp cùng Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện khảo nghiệm, trình diễn 11 giống lúa thuần triển vọng. Trong đó, có 4 giống lúa Japonica (J01, J03, J04, J05), 7 giống Indica (LDA1,2,3,4,5, RG10, RG12). Mục tiêu là lựa chọn được giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích ứng rộng để SX đại trà. Theo anh Hiển, thời tiết vụ xuân 2016 diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy được dự báo vụ đông xuân ấm nhưng có thời điểm nhiệt độ xuống tới 6 - 7 độ C. Tại khu vực khảo nghiệm Trại giống Điền Nhi, xã Toàn Thắng (huyện Gia Lộc), các giống lúa này được áp dụng thời vụ gieo cấy chung với địa phương. Hai trà gieo cấy chính vẫn là xuân sớm và xuân muộn. Mật độ cấy là 45 khóm/m2, cấy 1 dảnh/khóm. Các giống lúa được chọn làm đối chứng là ĐS1 và Bắc thơm số 7.
“Dù thời tiết khó khăn nhưng năng suất của những giống lúa này tương đối cao. Chúng tôi đề nghị sớm công nhận chính thức để có thể triển khai, xây dựng các mô hình SX ngay trong vụ mùa tới”, bà Vũ Thị Hà, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương kiến nghị.
Dù thời tiết bất thuận, nhưng theo anh Hiển, các giống lúa Japonica dường như “trơ” với thời tiết, TGST dao động từ 140 - 160 ngày. Các giống Indica bị ảnh hưởng một chút, nên TGST kéo dài hơn bình thường. Nhưng nhìn chung, những giống này đều có độ thoát cổ bông tốt, độ thuần đồng ruộng cao. Khả năng đẻ nhánh khá, số hạt trên bông cao, tỷ lệ lép thấp. Đặc biệt, 4 giống Japonica khó bị rụng hạt.
Năng suất dự kiến, dẫn đầu là giống J03 đạt khoảng 7,3 tấn/ha. Với dòng lúa Indica, giống LDA1 dự kiến đạt năng suất khoảng 7,1 tấn/ha. Điều đáng ngạc nhiên, trong quá trình khảo nghiệm, không có giống nào nhiễm đạo ôn, bạc lá, khô vằn… Các giống Japonica chỉ bị nhiễm rầy nâu nhẹ, khả năng chống đổ và chịu rét rất tốt. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm HTXNN Toàn Thắng, vụ xuân 2015, nhiều xã viên tỏ ra phấn khích với giống lúa có cái tên “Tây tây” J03 được đưa về SX thử. Có hộ đăng ký lấy giống, trồng liền 2 - 3 sào. Thời tiết mưa nhiều nhưng J03 vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe. Đếm sơ sơ, bông nào cũng từ 200 - 250 hạt, hiếm có bông bị lép. Vụ đó, mô hình J03 quê ông thắng lớn, năng suất trung bình 2,3 - 2,4 tạ/sào.
Tới vụ sau, không được cấp lúa giống, xã viên Toàn Thắng liền dùng cách chọn thóc thịt, đem ra ngâm ủ để gieo cấy. Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm không được như ý. “Người dân chúng tôi rất mong những giống lúa này được công nhận chính thức. Từ đó, được tiếp tục SX giống lúa này trên diện rộng. Gạo của J03 ăn cũng rất ngon, cơm ăn chan canh không bị vữa, để hôm sau ăn vẫn còn dẻo”, ông Khoa tâm sự.
Bà Tăng Thị Hạnh, Phòng NN-PTNT Gia Lộc hào hứng cho biết, xã Toàn Thắng vẫn… chưa ăn thua. Năng suất “khủng” nhất đối với giống J03 là HTX Gia Tân. “Ở Gia Tân, người dân thường trồng J03 ngay trên mảnh đất vừa trồng một vụ dưa. Đất tốt, giống tốt, áp dụng đúng kỹ thuật SX, có những hộ đạt năng suất rất cao, lên tới 3,6 tạ/sào. Chứng tỏ, giống lúa này rất chịu thâm canh”, bà Hạnh cho biết.
GS.TS Đỗ Năng Vịnh tỏ ra hồ hởi khi mô hình này đạt được những thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt, từ ý kiến của chính những người trực tiếp SX, có thể thấy, cả Japonica và Indica đều có tiềm năng rất lớn để đưa vào SX trên diện rộng.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã