“Mục đích chuyến công tác của Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM trong những ngày qua tại tỉnh Lâm Đồng là đi tìm nguồn rau sạch để cung cấp cho 10 triệu dân TP.HCM” - đại biểu Quốc hội kiêm Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Ăn rau tại chỗ để biết có an toàn
Ấn tượng của nữ “tổng quản” Phạm Khánh Phong Lan với mọi người trong lần đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) vào sáng 27-8 là khi bà không ngần ngại thử luôn tại chỗ để minh chứng mức độ an toàn.
Tại đây, bà Lan cùng đoàn công tác được ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Phong Thúy, đưa đi tham quan những nhà kín trồng đủ loại rau theo phương pháp thủy canh. Đến nhà kín trồng rau lô lô tím (giống cải xà lách), ông Phong giới thiệu cặn kẽ quy trình trồng rau từ khâu ươm giống đến thu hoạch.
“Rau trồng theo phương pháp thủy canh hoàn toàn cách ly sâu bệnh, nguồn nước ô nhiễm, độc tố từ môi trường… Mặc dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng rau luôn phát triển tốt do được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết pha trong nguồn nước tưới. Tôi dám khẳng định rau trồng phương pháp thủy canh có thể ăn ngay sau thu hoạch vì độ an toàn cao” - ông Phong nói, đồng thời nhổ một cây lô lô tím cho mọi người xem.
Bà Phạm Khánh Phong Lan đang nghe giới thiệu phương pháp trồng rau thủy canh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Các thành viên trong đoàn công tác nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ. Riêng bà Lan, không nói không rằng, bẻ một cọng rau ăn ngon lành. Nhiều ánh mắt lộ vẻ ái ngại vì rau chưa được ngâm rửa. “Thơm và ngọt lắm! Đúng là rau trồng bằng phương pháp thủy canh quá sạch. Không một hột cát, không một lớp bụi. Hy vọng tới đây dân TP.HCM sẽ được sử dụng rau trồng tại đây để đảm bảo sức khỏe” - bà Lan nói.
Bà Lan vừa dứt lời, vài người bẻ cọng rau lô lô tím đưa vào miệng nhai và gật gù. “Là cơ quan quản lý, chúng ta không thể chỉ nghe những gì doanh nghiệp nói bởi họ luôn tâng bốc sản phẩm của mình. Cái quan trọng là chúng ta phải minh chứng những gì doanh nghiệp đã nói bằng cách kiểm tra tại chỗ. Chỉ có thế thì các doanh nghiệp không qua mặt cơ quan quản lý và chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng” - bà Lan chia sẻ.
“Có thời gian, tôi sẽ đi hết”
Còn trong chiều 26-8, con đường trơn trượt sau cơn mưa lớn dẫn tới nhà lưới trồng rau của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) không ngăn được bước chân của “tổng quản” Phạm Khánh Phong Lan.
Sau khi nghe giới thiệu rau trồng tại đây được sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu ươm cây con đến đóng gói, bà Lan tỏ vẻ hài lòng. Bà Lan cũng lộ rõ niềm vui khi biết HTX Tân Tiến đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. “Hiện TP.HCM giám sát chặt nguồn rau đưa vào TP.HCM để luôn đảm bảo an toàn. Hy vọng rau của HTX Tân Tiến luôn có mặt trong bữa cơm của mỗi gia đình TP.HCM” - bà Lan nói.
“TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80% lượng rau từ các tỉnh, trong đó đa phần của Lâm Đồng. Nếu có thời gian, chúng tôi sẽ đi hết các cơ sở cung cấp rau cho TP.HCM. Chỉ có đi như thế chúng tôi mới nắm bắt quy trình sản xuất rau có an toàn hay không. Một khi xác định nguồn rau đưa vào TP.HCM an toàn thì khi đó chúng tôi mới đủ can đảm nhìn nhận là đã hoàn thành trách nhiệm với lãnh đạo và 10 triệu dân TP.HCM” - bà Lan tỏ lòng.
Rau của tỉnh Lâm Đồng cung ứng cho TP.HCM khoảng 65% sản lượng. Do đó chúng tôi rất quan tâm đến yếu tố chất lượng và ATTP. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng mong Ban quản lý ATTP và cơ quan chức năng TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi nông sản an toàn của tỉnh được tiêu thụ tại TP.HCM. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Ông NGUYỄN VĂN SƠN, Giám đốc Sở NN&PTNT _____________________________ Hiện 20% rau tiêu thụ tại TP.HCM là do các HTX và hộ nông dân trong địa bàn TP trồng và cung cấp. Rau được các HTX và hộ nông dân TP.HCM trồng luôn được Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT TP) kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do được giám sát chặt nên rau trồng tại TP.HCM chiếm tỉ lệ an toàn rất cao. Bà HUỲNH THỊ KIM CÚC, Phó Trưởng Ban quản lý |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã