Sản phẩm “giấy xanh” từ phế phẩm nông nghiệp của sinh viên Đặng Thị Ngọc Ánh rất thân thiện với môi trường
Đề tài sản xuất giấy từ phế phẩm nông nghiệp này được Ngọc Ánh nảy ra ý tưởng và thực hiện chế tạo sản phẩm từ khi còn học lớp 11. Ý tưởng giấy thân thiện này của cô bắt đầu từ hình ảnh những người quét rác. Khi thấy các bác lao công vất vả gom lá cây rụng đầy ngoài đường, Ánh đã nghĩ phải làm cái gì đó có lợi từ những thứ rác này. Và sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm kiếm, Đặng Thị Ngọc Ánh đã phát minh ra giấy từ lá cây khô, lá chuối, tre… rất thân thiện với môi trường sống.
Công thức chế tạo “giấy xanh” của Ánh đơn giản, bao gồm: Lá chuối tươi (30%), lá khô (30%), thân tre (38%), các nguyên liệu phụ như hồ dán, nước vôi trong (2%). Loại “giấy xanh” do Ánh chế tạo có thể tự phân hủy được, độ xốp cao nên dùng để hút ẩm trong các linh kiện điện tử, tạo hình nghệ thuật, viết thư… và đặc biệt rất thân thiện với môi trường sống.
Hiện nay sản phẩm của Ánh được tận dụng không chỉ từ lá cây mà còn trên tất cả các phế phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây họ đậu, xác hữu cơ thực vật… Lúc đầu, khi sản xuất từ nguồn nguyên liệu lá cây, Ánh chỉ dùng phương pháp thủ công, nhưng do công suất rất thấp nên Ánh quyết tâm mày mò để sáng chế ra chiếc máy thay thế con người trong một vài công đoạn.
Ánh chế ra 2 chiếc máy, một máy thực hiện chức năng xay, một máy dùng để ép. Với máy xay, Ánh sử dụng động cơ motor 3 ngựa, đạt công suất 1.490 vòng/phút. Còn máy ép có thể ép được 120 tấn/lần.
Về quy trình sản xuất, Ánh chia sẻ các phế phẩm hay lá cây sau khi thu gom sẽ ngâm qua bùn tự nhiên để các vi sinh vật sinh sống trong bùn giúp phân hủy chất kiềm có trong các phế phẩm. Công đoạn này nhằm tạo ra sản phẩm giấy dễ bảo quản và không bị ố vàng khi để lâu ngày. Sau khi ngâm là đến công đoạn giã lá cây hoặc phế phẩm để tăng tính liên kết các sợi. Tiếp đến là quá trình xeo giấy và cuối cùng là phơi khô hoặc có thể ép gia nhiệt để cho ra thành phẩm.
Quá trình xeo giấy được Ánh tiến hành theo hai phương pháp khác nhau tùy vào loại phế phẩm và loại giấy muốn chế tạo. Đối với giấy in và giấy viết, Ánh sử dụng phương pháp deeping, tức là sử dụng gia tăng lực để tăng tính liên kết và độ mịn của bề mặt giấy. Còn đối với giấy cách âm, giấy dán tường… cô áp dụng phương pháp floating. Phương pháp này sử dụng tác dụng của ngoại lực như nước, không khí để tăng diện tiếp xúc cho bề mặt giấy.
Hiện tại, dự án phát triển theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất giấy cho các hộ nông dân để chính nông dân thực hiện, từ đó, phế phẩm nông nghiệp được xử lý theo hướng tích cực hơn và người dân có nguồn thu nhập từ chính sản phẩm của mình.
Qua việc ứng dụng “giấy xanh” trong thực tiễn, cho thấy giấy từ phế phẩm nông nghiệp có phạm vi ứng dụng rộng rãi, như: Giấy viết vẽ, giấy in (in màu, in đen trắng), giấy hút ẩm, giấy hoa văn nổi 3D, giấy dán tường cách âm, giấy ứng dụng thủ công mỹ nghệ, giấy bao gói… Hơn nữa, việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm giấy sẽ giúp thay thế việc dùng gỗ làm giấy, vừa giúp bảo vệ rừng vừa giúp giữ gìn môi trường sống thêm xanh – sạch – đẹp.
T. Tâm (TH)/ Môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã