Cần chấm dứt tình trạng độc quyền trong bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và ngư dân tự quyết định việc mua bảo hiểm, vay vốn, lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu… Đó là những ý kiến được nêu ra tại Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 – Những vấn đề cần đặt ra” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND thành phố Đà Nẵng và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng sáng nay (29/8).
Đến nay, cả nước có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển được phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu theo Nghị định 67 với gần 1.950 phương tiện, trong đó đóng mới hơn 1.500. Hơn 760 tàu đi vào hoạt động đánh bắt hiệu quả. Bên cạnh đó, hơn 40 tàu cá vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ, gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân, lộ ra những lỗ hổng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67.
Hàng loạt tàu vỏ thép ngư dân tỉnh Bình Định mới đóng đã hỏng gây bức xúc trong ngư dân thời gian qua. |
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị xử lý nghiêm các đơn vị làm ăn gian dối, loại ra khỏi danh sách những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện: “Về các cơ sở đóng tàu cũng phải rà soát lại, những chỗ nào đủ điều kiện làm tốt phải duy trì, tiếp tục cấp phép. Những chỗ nào vi phạm, sau đợt này cần phải có xử lý, không để thời gian tới tái diễn sự việc đáng buồn như tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định vừa rồi, một số ngư dân lâm vào cảnh khó khăn, có thể mất nhà, mất cửa”.
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản qui định, mỗi tỉnh, thành phố chỉ định một doanh nghiệp được phép bán bảo hiểm tàu cá đóng mới. Từ đó, đã xảy ra tình trạng độc quyền trong bán bảo hiểm. Năm 2017, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Vì vậy, các ngân hàng thương mại không thể giải ngân cho vay vốn đóng mới tàu hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong mà không có bảo hiểm cũng không được đi biển. Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm trên địa bản của mỗi tỉnh thay vì chỉ có một doanh nghiệp như qui định hiện nay để ngư dân lựa chọn...
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: “Qui định về chính sách bảo hiểm, trên một địa bàn chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm thôi. Vừa rồi cũng phức tạp, nhiều địa phương có ý kiến quá. Họ cho rằng, tôi không thích ông bảo hiểm này, mà cứ ép tôi mua bảo hiểm này, đền bù hỗ trợ phức tạp. Còn chính sách bảo hiểm thuyền viên chỉ được hỗ trợ bảo hiểm khi đi trên tàu thôi. Như vậy, ngư dân sau khi đi trên tàu về nhà, muốn có bảo hiểm lúc đau ốm thì phải mua bảo hiểm thứ 2, vì vậy chưa phù hợp”.
Hệ thống cần trục, tời kéo lưới trên tàu BĐ 90004 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét nặng. |
Để quản lý việc đóng tàu cá theo Nghị định 67 được chặt chẽ, tránh các sự cố gây thiệt hại cho chủ tàu, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các mẫu thiết kế để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với các nghề khai thác và vùng biển hoạt động; Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu giúp chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Nghị định 67 cần phải được tháo gỡ kịp thời để “Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Tới đây, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 phải nêu rõ trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình thiết kế, thẩm định, thi công, nghiệm thu và giám sát quá trình đóng tàu; bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, trước mắt Ngân hàng phải có chính sách giãn nợ, khoanh nợ đối với các chủ tàu vừa mới đóng đã hư hỏng, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối, bảo vệ quyền lơi ngư dân.
Ông Lại Xuân Môn cho biết: “Trong lúc Đảng và Nhà nước quan tâm, cả hệ hống chính trị quan tâm ban hành Nghị định 67, đúng ra các doanh nghiệp đóng tàu phải hỗ trợ ngư dân. Nhưng vừa rồi làm ăn gian dối, cho nên phải làm rõ chỗ này, xử lý nghiêm các đơn vị này. Làm sao Nghị định tới đây phải vào cuộc sống, có sức sống giúp ngư dân”./.