Học tập đạo đức HCM

Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ hai - 28/08/2017 21:35
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều lớp đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn. Nhờ chương trình này, nhiều người đã có việc làm, ổn định cuộc sống.


Nghề đan lát tại huyện Củ Chi đã góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm với thu nhập ổn định.

Cách đây hai năm, gia đình chị Nguyễn Thị Bảy, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có ba sào đất nhưng bị thu hồi để thành lập khu công nghiệp. Vợ chồng chỉ quen nghề nông, không còn ruộng canh tác, trở nên thất nghiệp, sống chủ yếu bằng tiền hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng. Chị Bảy cho biết: "Không còn đất để trồng cấy, tôi có ý định nhận quần áo về may gia công. Nhưng ngặt nỗi mình chưa biết may vá, cũng không có tiền để mua sắm máy móc, phụ liệu. May mắn, tôi được Hội Nông dân, Phòng Kinh tế huyện tạo điều kiện tham gia lớp học may miễn phí tại trung tâm dạy nghề của huyện trong thời gian ba tháng. Sau đó, tôi được vay vốn mua máy may, được giới thiệu các mối nhận hàng may gia công. Từ một máy, giờ tôi đã lên năm máy dùng cho công đoạn may như vắt sổ, may, thêu… Thu nhập ổn định với hơn chục triệu đồng/tháng". Ðây là một trong hàng trăm trường hợp được huyện Nhà Bè hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm trong thời gian gần đây. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Ngọc Vân chia sẻ, dù Nhà Bè đang trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn còn nhiều lao động muốn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nắm bắt nhu cầu đó, Phòng đã phối hợp nhiều đơn vị giới thiệu và dạy nghề cho người dân. "Dẫu vậy, vẫn còn không ít lao động ngại phải đi học mà thích đi làm công nhân, làm thuê tại các nhà máy, công trường. Nguyên nhân khiến người lao động không muốn học nghề là vì khó tìm được việc làm sau đào tạo" - chị Vân bộc bạch.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh cần đào tạo 55 nghìn lao động nông thôn đạt trình độ trung cấp, cao đẳng nghề. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 80% trở lên. Riêng trong năm 2017, thành phố đề ra chỉ tiêu 12 nghìn lao động được học nghề và có việc làm. Ðối tượng được hỗ trợ học nghề là lao động nông thôn thuộc các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và một số phường còn lao động nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên người lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp… Mức hỗ trợ cho lao động học nghề cao nhất là sáu triệu đồng và thấp nhất là hai triệu đồng; ngoài ra còn hỗ trợ tiền ăn, đi lại nếu ở xa. "Hầu hết, cơ sở nào khi tuyển lao động cũng đòi hỏi nhân công phải có ít nhất trình độ sơ cấp nghề. Còn những người chưa biết gì, chưa có kinh nghiệm thì rất khó tìm được việc làm" - chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh bao bì cơ khí Hòa Phát Nguyễn Văn Lâm chia sẻ. Theo ông Lâm, một khóa học nghề sơ cấp, ngắn hạn là điều kiện cần để một lao động đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong quá trình làm việc, doanh nghiệp sẽ bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân chứ không phải đào tạo từ đầu. Hiện, trình độ đào tạo nghề ở các trung tâm dạy nghề quận, huyện ngày càng nâng cao, người lao động học xong có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn.

Chi cục trưởng Phát triển nông nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Liêm cho hay, riêng với lao động lĩnh vực nông thôn, ngành nông nghiệp thành phố có đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu đào tạo về phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, thành phố đã có sẵn các trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm dạy nghề của Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Chi cục Bảo vệ thực vật hay Trung tâm Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thành phố… Ngoài ra, còn có Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, nơi đào tạo dài hạn chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, để làm tốt hơn, giáo trình đào tạo các nghề phải được cập nhật và hoàn thiện. Ðồng thời, dạy nghề phải gắn với việc làm để có thu nhập ổn định, tránh việc đào tạo tràn lan, gây lãng phí, chỉ nên dạy nghề khi người lao động thật sự có nhu cầu... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Trần Ngọc Hổ khẳng định: Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động của thành phố mà còn giúp tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cần phải đào tạo có địa chỉ, chứ không chỉ chạy theo thành tích, số lượng từng nơi và quan trọng là tìm đầu ra cho người lao động sau đào tạo.


Tác giả bài viết: HOÀNG MAI

Nguồn tin: nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập359
  • Hôm nay63,367
  • Tháng hiện tại768,480
  • Tổng lượt truy cập90,831,873
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây