Liên kết sản xuất hướng tới xuất khẩu nhãn
Theo chỉ dẫn địa lý vùng trồng nhãn lồng Hưng Yên do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố, chúng tôi đến TP Hưng Yên, nơi trồng 900 ha nhãn, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng, Hoàng Hanh... Tại khu trồng nhãn được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ ở thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam), Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Nễ Châu Trần Thị Bắc phấn khởi cho biết: HTX nhãn lồng thôn Nễ Châu vừa được Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên cấp chỉ dẫn địa lý vùng trồng nhãn lồng đặc sản, đây là lợi thế để xúc tiến, quảng bá thương hiệu nhãn lồng của HTX đến với doanh nghiệp, thị trường trong nước và ngoài nước. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ nhãn với một số doanh nghiệp với giá hơn 30 nghìn đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề liên kết sản xuất, xuất khẩu nhãn. Trưởng phòng Kinh tế TP Hưng Yên Nguyễn Văn Oanh nhận định, sản lượng nhãn năm nay của thành phố đạt khoảng 11 nghìn tấn, có thấp hơn năm ngoái một chút, nhưng nhãn được giá, bởi diện tích trồng nhãn theo quy trình VietGAP được mở rộng gấp năm lần năm 2016. Ðể nâng cao giá trị của nhãn lồng Hưng Yên, thành phố đã tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, gửi hồ sơ thông tin về vùng sản xuất nhãn lồng của TP Hưng Yên sang Ô-xtrây-li-a nhằm quảng bá, xuất khẩu nhãn trong thời gian tới. Theo Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng, hai giống nhãn ở Hưng Yên chất lượng tốt, cơm dày, ngọt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Giá nhãn quả bán ở thị trường Mỹ rất cao, quy đổi khoảng 200 nghìn đồng/kg, cao hơn giá nhãn Edor mà công ty đang xuất bán ở thị trường này khoảng 15%. Ðể xuất khẩu được sang thị trường Mỹ thì quả nhãn phải đạt được nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe, như bảo quản được trong thời gian dài, chất lượng ổn định, không bị nhiễm sâu, bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, để thành công trong việc chào hàng sang thị trường Mỹ, công ty sẽ đưa cán bộ, công nhân kỹ thuật hướng dẫn người trồng nhãn cách thu hoạch, bảo quản, vận chuyển vào nhà máy chiếu xạ. Bước đầu, công ty dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng năm tấn nhãn lồng sang Mỹ, sau đó sẽ xuất khẩu với số lượng lớn hơn. Bảo tồn nhãn đặc sản Hưng Yên là vùng trồng nhãn lớn, với hơn 3.500 ha; trong đó khoảng 90% diện tích là nhóm giống nhãn lồng đặc sản, gồm: Nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn cùi, nhãn chín muộn Khoái Châu... Nhãn Hưng Yên có ba trà nhãn chín sớm, chiếm khoảng 5% diện tích; nhãn chính vụ thu hoạch khoảng 55%; nhãn chín muộn khoảng 40%. Các chủ vườn đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, đưa cây nhãn ra ngoài đồng phát triển, hình thành các vùng trồng nhãn chuyên canh lớn ở TP Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Ðộng..., cho sản lượng từ 35 nghìn đến 40 nghìn tấn quả/ năm. Tuy nhiên, để mở rộng tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu nhãn bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Doanh cho biết, tỉnh đã triển khai dự án Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng phát triển cây nhãn, bảo tồn giống nhãn quý và quản lý các cây đầu dòng, xây dựng mô hình thâm canh nhãn; phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và chế biến nhãn, trong đó, chú trọng đến việc tiếp tục hướng dẫn nông dân mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP. Ðược biết, hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã có hơn một nghìn chủ vườn nhãn thực hiện thâm canh nhãn theo quy trình VietGAP, bảo đảm quả nhãn sản xuất ra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, và cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước. Ngoài ra, các huyện, thành phố còn hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng nhãn, như: HTX nhãn lồng xã Hồng Nam, HTX nhãn lồng thôn Nễ Châu, HTX An Cảnh, xã Hàm Tử...; tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và tạo điều kiện giao lưu, tiếp xúc giữa người trồng nhãn với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn cho nông dân. Ðây là hướng đi mới, đưa Hưng Yên trở thành vùng sản xuất nhãn chất lượng, giá trị cao, qua đó phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của cây nhãn lồng đặc sản, góp phần giải bài toán đầu ra cho quả nhãn, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động du lịch ở nhiều địa phương phát triển.
|
Bài và ảnh: PHẠM HÀ/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã