Tiếp sức cho học sinh, sinh viên
Nhà chị Trần Thị Quỳnh ở xóm Trung Xá, xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) tuy đã khá hơn dăm năm trước nhưng hầu như không có tài sản gì có giá trị lớn. Chị Quỳnh tâm sự: “Năm 2006, con đầu Nguyễn Thị Hằng thi đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội, cả nhà lo lắng, không biết lấy đâu tiền nuôi cháu theo học đại học (ĐH). May nhờ tiền vay từ NHCSXH mà cháu mới có điều kiện theo học. Sau Hằng, lần lượt các em Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Thu cũng được NHCSXH huyện cho vay để theo học ĐH với tổng số tiền là 133 triệu đồng”. Hiện hai cháu đã ra trường và có công việc ổn định, hằng tháng gửi tiền về vừa giúp gia đình vừa trả nợ tiền vay học trước đây. Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thái ở thôn Vân Cử khó khăn hơn khi phải nuôi chồng nằm liệt giường cùng năm con học ĐH và cao đẳng (CĐ). Nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ, chị đã mạnh dạn vay 118 triệu đồng từ NHCSXH để các con được tiếp tục đến trường. Hiện ba cháu đã tốt nghiệp và tìm được việc làm, chị Thái động viên các con tiếp tục tằn tiện để có điều kiện trả nợ món vay ngân hàng đúng kỳ hạn.
Theo Hội trưởng Phụ nữ xã Xuân Lộc Phan Thị Nghĩa, Xuân Lộc vốn là xã nghèo, có hơn 48% số dân là bà con giáo dân và cách đây năm năm tỷ lệ đói nghèo còn hơn 37%, nhưng hằng năm có hơn 100 cháu thi đỗ vào các trường ĐH và CĐ. Nếu không có nguồn vốn cho vay từ NHCSXH thì nhiều cháu thuộc diện hộ nghèo hay một số gia đình giáo dân đông con không dám mơ vào ĐH dù học giỏi đến mấy. Xuân Lộc dù chưa phải là địa phương có tỷ lệ HSSV vay ngân hàng nhiều nhất huyện nhưng hiện có đến 317 học sinh, sinh viên (HSSV) đang vay hơn 9 tỷ đồng để học ĐH và CĐ. Các cháu sau khi tốt nghiệp ra trường cùng với gia đình có trách nhiệm trả nợ vốn vay đúng cam kết.
Giám đốc NHCSXH huyện Can Lộc Trần Anh Đức cũng cho biết: Từ năm 2007, NHCSXH Can Lộc đã triển khai cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn để theo học ĐH và CĐ. Thông qua ủy thác các tổ chức xã hội, hơn bảy nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong huyện đã được vay vốn với tổng số vay gần 137 tỷ đồng, chiếm hơn một phần ba tổng số dư nợ của ngân hàng. Riêng sáu tháng đầu năm 2015, đã có 980 hộ gia đình vay hơn 7,6 tỷ đồng. Bà con cũng đã thu xếp trả nợ hơn 25 tỷ đồng theo đúng cam kết.
Không riêng Can Lộc mà hàng chục nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng quê nghèo Hà Tĩnh hiếu học từ vùng núi đến miền biển đều được vay vốn của NHCSXH để tiếp sức cho con cháu họ theo học ĐH và CĐ. Theo Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh Lưu Văn Minh, chỉ tính riêng trong năm năm qua đã có hơn 46 nghìn HSSV trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập với số vốn vay luân chuyển lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khá lớn trong số dư cho vay của NHCSXH Hà Tĩnh.
Phát huy đồng vốn “mồi”
Cũng theo Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh Lưu Văn Minh, nguồn vốn cho HSSV vay là một trong số 15 chương trình mà NHCSXH Hà Tĩnh đang thực hiện trên địa bàn. Trong năm năm qua (từ năm 2010 đến 2015), tổng nguồn vốn đến giữa năm 2015 đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm 2010, tốc độ tăng bình quân là 16,5%/năm; tổng doanh số cho vay đạt 4.344 tỷ đồng với 220 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ là 2.862 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến hết quý I-2015 đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 1.483 tỷ đồng (tăng gấp 1,8 lần) so với năm 2010, với hơn 131 nghìn lượt khách hàng đang thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Cũng trong năm năm này, với chương trình tín dụng ưu đãi phối hợp chương trình, dự án khác của tỉnh, T.Ư... NHCSXH Hà Tĩnh đã góp phần tạo việc làm cho gần 63 nghìn lao động; gần 47 nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, hơn 46 nghìn hộ cải thiện đời sống; hàng chục nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng gần 64 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn. Không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, NHCSXH Hà Tĩnh còn góp sức xây dựng, sửa chữa hơn 10 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và gần 1.000 hộ nghèo sống ở vùng lũ vay tiền làm nhà vượt lũ. Gia đình chị Lê Thị Thơm (48 tuổi) ở xóm 13, xã Hòa Hải (Hương Khê - Hà Tĩnh), là một thí dụ. Gia cảnh khó khăn, bao năm chịu trận với mưa lũ, chị chỉ mơ ước có một ngôi nhà vững chắc. Đầu năm 2015, gia đình chị được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện Hương Khê cùng 20 triệu đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách và Ủy ban MTTQ tỉnh và sự hỗ trợ của cộng đồng, để làm ngôi nhà vượt lũ trị giá hơn 50 triệu đồng. Giám đốc NHCSXH huyện Hương Khê Trần Xuân Bình cho biết, nhờ vốn vay 15 triệu đồng của NHCSXH làm “mồi“ mà hơn 133 hộ nghèo ở Hương Khê đã làm nhà vượt lũ trị giá từ 50 đến 80 triệu đồng, nhiều nhà trị giá 100-120 triệu đồng. Từ đó, bà con vùng lũ yên tâm ổn định cuộc sống.
Đánh giá về hiệu quả của đồng vốn, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều vùng quê, nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống; đồng thời góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới tại các vùng quê, làm cho bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh thêm khởi sắc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã