Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay, tỉnh đang xây dựng dự thảo ''Quy định điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh''.
Theo đó, quy định trên sẽ rất nghiêm ngặt, nếu kiểm tra phát hiện trường hợp nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi thâm canh, siêu thâm canh vi phạm trong lĩnh vực môi trường thì có thể áp dụng mức xử phạt hành chính từ 3 triệu đến100 triệu đồng.
Ngoài ra, còn buộc các hộ nuôi tôm vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục hậu quả...
Nói về giải pháp chấn chỉnh nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân nâng cao ý thức chấp hành chủ trương phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung theo đề án quy hoạch của tỉnh, chính là một trong những giải pháp quan trọng cần được các địa phương quan tâm chú trọng.
Cùng với đó, các sở, ngành và chính quyền các địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý chặt chẽ vùng, số hộ nuôi, sản lượng thu hoạch, kiểm soát tốt vấn đề môi trường...; đồng thời tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhằm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc ô nhiễm môi trường do việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh gây ra.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về vật tư, máy móc, nhằm chủ động cho mùa vụ tới đây bởi sau mùa mưa, nông dân đào ao nuôi tôm rất nhiều; xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng, tôm sinh thái.
Đó là các mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đang được người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi tôm công nghiệp khoảng 9.600 ha; trong đó nuôi tôm siêu thâm canh tăng khá nhanh đạt hơn 857 ha, với 670 hộ nuôi, tăng khoảng 175 ha so với thời điểm cuối năm 2016.
Nuôi tôm siêu thâm canh ở tỉnh Cà Mau có tỷ lệ thành công đạt từ 85% trở lên, năng suất bình quân từ 40 - 50 tấn/ha/vụ, có hộ đạt năng suất từ 80 -100 tấn/ha/vụ.
Xuất phát từ năng suất và lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, khiến tình hình nuôi tôm tự phát ồ ạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây là điều khó có thể tránh khỏi.
Trong quá trình nuôi tôm, phần lớn các hộ nuôi tôm chưa tuân thủ thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm, xử lý nguồn nước thải và chất thải, dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường./.
Tác giả bài viết: Kim Há
Nguồn tin: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã