Đây là các vấn đề chủ yếu được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Mùa xuân 2018 do Liên minh Nông nghiệp và Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/4/2018 tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Văn phòng Oxfam tại Việt Nam và CTCP Lina Network.
Thông tin từ Diễn đàn này cho biết, đến nay cả nước mới có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản an toàn, và trong số đó chỉ 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Hàng loạt nguyên nhân khiến các chuỗi nông sản an toàn hoạt động chưa hiệu quả.
Trong đó, nổi lên các yếu tố như: Chi phí giao dịch cao; chưa áp dụng được nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; kết nối thông tin, truy xuất nguồn gốc còn nhiều hạn chế; chưa tìm được doanh nghiệp đầu tàu đồng hành cùng nông dân trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; nhận thức của người nông dân về tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với các đối tác, với DN còn hạn chế…
Từ thực tế trên, các chuyên gia, DN và nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đổi mới chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuỗi cung ứng nội bộ hợp tác xã, liên kết nông dân – DN và các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đáng chú ý tại Diễn đàn lần này, lần đầu tiên các chuyên gia đã giới thiệu việc ứng dụng công nghệ Blockchain (mô hình mã hóa các giao dịch dựa trên cơ chế đồng thuận và không cho phép thay đổi dữ liệu đã nhập để lưu trữ độc lập, công khai và minh bạch) vào nông nghiệp.
Theo ông Vũ Trường Ca - Nhà sáng lập CTCP Công nghệ Lina Network, Blockchain đã được nhắc đến nhiều liên quan đến đồng tiền Bitcoin nhưng thực tế đó chỉ là một ứng dụng nhỏ của công nghệ này. Khi áp dụng Blockchain trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng, bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp luôn có và nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp cũng không thiếu. Tuy nhiên, làm sao để người tiêu dùng mua được các loại thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và làm sao để những nhà sản xuất (nông dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp) nông nghiệp sạch thực sự có thể bán được hàng thì vấn đề lại nằm ở niềm tin. Và niềm tin ấy chỉ có được khi các thông tin về chất lượng, nguồn gốc, thương hiệu… được cung cấp một cách minh bạch, rõ ràng và cập nhật.
Điều đó đòi hỏi ngoài nỗ lực từ phía chính sách của các cơ quan quản lý, lương tâm “sạch” của nhà sản xuất và khả năng liên kết trong xây dựng các chuỗi giá trị thì các giải pháp công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng.
Theo đó, PGS, TS Nguyễn Đức Thành - Đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng, việc đổi mới chuỗi cung ứng bằng cách áp dụng khoa học công nghệ hiện đại là một hướng đi mới giúp doanh nghiệp trao đổi hiệu quả hơn với khách hàng, sản phẩm nông nghiệp làm ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn.
Theo Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã