Ý tưởng không mới nhưng hoàn thiện nhất
Qua 5 lần thử nghiệm, Mai Nhật Anh và Phùng Văn Long mới hài lòng với sáng tạo của mình.
Giống như bao chàng trai đam mê khoa học sáng tạo, Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh – học sinh lớp 12A3 trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) rất “nhạy cảm” với những sáng chế mang lại tính ứng dụng cao.
Mai Nhật Anh kể: “Từ bé mỗi lần bước chân ra biển em đều tự thắc mắc tại sao không tận dụng nước biển để làm nước sinh hoạt hàng ngày. Sau này tiếp xúc với khoa học, em hiểu vì sao không thể sử dụng nước biển. Lúc đó, lại nảy sinh câu hỏi liệu có thể biến nước biển thành nước ngọt được không?”.
Trên thực tế, ý tưởng của Mai Nhật Anh không hề mới, thậm chí máy chưng cất nước biển đã có rất nhiều “phiên bản” khác nhau và cũng đã có những học sinh dành giải cao với ý tưởng này tại một số cuộc thi KHKT. Nhưng Mai Nhật Anh và Phùng Văn Long tự tin rằng “công trình của bọn em là hoàn thiện nhất”.
Bộ phận bơm nước biển bằng nguyên lí đòn bẩy.
Lý giải cho sự tự tin này, Phùng Văn Long cho hay: “Các dự án chưng cất nước biển khác còn rất nhiều hạn chế, lượng nước chưng cất được ít và hệ thống vận hành không tốt khi hoạt động độc lập ngoài biển”.
Theo Mai Nhật Anh, trong khi nghiên cứu những hạn chế của các dự án, các em đã tự đặt câu hỏi vì sao không sử dụng đồng thời nguồn năng lượng từ sóng biển và ánh sáng mặt trời để đạt được kết quả tốt hơn. Nước biển là nguồn tài nguyên vô tận, trong khi đó sóng biển và năng lượng mặt trời là dạng năng lượng sạch. Khi kết hợp không những không gây tác động xấu với môi trường mà càng tạo được nhiều nước ngọt hơn.
“Bọn em áp dụng nguyên lý bay hơi và ngưng tụ chất lỏng, sử dụng năng lượng từ sóng biển để vận hành hệ thống bơm giảm áp. Từ đó làm giảm nhiệt độ sôi của nước biển, giúp tạo thành lượng hơi nước lớn hơn, tăng năng suất của máy” - Mai Nhật Anh giải thích.
Hệ thống được chế tạo khá phức tạp, độ chính xác cao nhưng bù lại có trọng lượng tương đối nhẹ (khoảng 70kg), lượng nước ngọt được chưng cất lớn, có thể ứng dụng trên các tàu thuyền đánh bắt xa bờ lâu ngày, các đảo xa hoặc dùng cho các hộ dân ven biển.
Hành trình đến nước Mỹ xa xôi
Cận cảnh chiếc máy kỳ diệu của 2 cậu học trò xứ Nghệ
Từ khi hình thành ý tưởng đến khi hệ thống vận hành trơn tru, đáp ứng yêu cầu đề ra, hai cậu học trò phải mất 7 tháng trời mày mò. Hệ thống được lắp đặt hoàn thiện, các em phải đi đi lại lại biển Cửa Lò để vận hành thử tới 4 lần. Trong các lần thử nghiệm này những hạn chế của máy được chỉ ra và khắc phục. Đến lần thứ 5, máy hoạt động trơn tru và cho ra sản phẩm đạt chuẩn. Không thể nói hết được niềm sung sướng của hai cậu học trò vào thời khắc ấy.
Tuy nhiên Văn Long cũng cho hay, nhược điểm của máy là một số thiết bị được chế ra từ nguyên liệu sắt, rất dễ bị ăn mòn do nước biển. Do thời điểm đó đã gần đến hạn nộp sản phẩm nên thầy trò tạm thời dừng lại để đưa đi thi.
Hai cậu học trò trong buổi thuyết trình dự án bằng tiếng Anh để lựa chọn dự án tham dự Hội thi KHKT quốc tế.
Đúng như sự tự tin của 2 em, mô hình đã vượt trên 200 dự án để giành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia khu vực miền Bắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đồng thời, đây cũng là dự án được chọn đại diện cho Việt Nam tranh tài tại Hội thi KHKT quốc tế được tổ chức tại Mỹ sắp tới.
Nói về dự án của 2 cậu học trò, thầy Mai Văn Quyền - giáo viên bộ môn Vật lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – người trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ các em, cho biết: "Ưu điểm lớn nhất đây là 1 hệ thống tuần cơ sử dụng các loại năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, cho hiệu suất cao hơn so với các hệ thống thiết bị khác phải sử dụng năng lượng điện".
“Quá trình thử nghiệm cho thấy, trong điều kiện khí hậu tốt nếu chỉ sử dụng năng lượng mặt trời, với hệ thống có dung tích buồng bay hơi 1,7 lít, sau 1 ngày hệ thống thu được hơn 7 lít nước ngọt. Nếu sử dụng năng lượng sóng và năng lượng mặt trời thì lượng nước ngọt thu được sau 1 ngày vận hành máy là hơn 10 lít. Nếu trời càng nắng, nhiệt độ càng cao thì hệ thống hoạt động càng hiệu quả”, Nhật Anh cho biết.
“Chúng em đang nghiên cứu, tìm vật liệu thay thế để dự án hoàn chỉnh hơn trước khi đưa sang Mỹ tranh tài. Còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, chúng em muốn dự án của mình phải hoàn hảo nhất, để chứng tỏ với bạn bè năm châu rằng Việt Nam cũng không thua kém bất cứ nước nào”, Mai Nhật Anh khẳng định.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã