Vượt khó vươn lên
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Kon Tum đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8-9%, thu nhập đầu người đạt 34 triệu đồng/năm và số hộ nghèo không ngừng giảm qua từng năm.
Nông dân ở huyện Tu Mơ Rông được tặng giống sâm Ngọc Linh để có điều kiện sản xuất và thoát nghèo. Ảnh: L.K
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng tăng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 10.000 hộ ND sản xuất giỏi, số lượng hội viên ND đạt hơn 63.000. Đã có 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng lưới điện quốc gia; có 13/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với ND, Hội ND tỉnh trở thành “bà đỡ mát tay” giúp ND từng bước thay đổi tư duy, cách làm phát triển kinh tế và bảo vệ quyền, lợi ích cho ND. Phong trào “ND thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát động và triển khai mạnh mẽ đến tận cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 10.368 hộ kinh doanh sản xuất giỏi, có rất nhiều hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Vừa qua, cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là “quốc bảo” và mong muốn tỉnh Kon Tum sớm đưa “quốc bảo thành quốc kế dân sinh”, giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng bào dân tộc thiểu số ở 7 xã vùng núi Ngọc Linh sẽ là đối tượng hưởng lợi đầu tiên nhờ trồng sâm, mỗi ha thu hoạch có thể có giá trị hàng chục tỷ đồng. |
Xác định vốn là nguồn lực chính giúp ND, nhất là các hộ khó khăn phát triển kinh tế, nhiệm kỳ 2013 - 2018, Hội ND các cấp tỉnh Kon Tum đã nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH giúp hội viên vay 700 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách. Riêng Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh đã tiếp nhận gần 8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và nhận ủy thác từ T.Ư để thực hiện 31 dự án vay quay vòng với 496 hộ vay. Nguồn quỹ đã đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng, hiệu quả cao. Đây chính là nguồn lực góp phần giúp gần 8.000 hộ thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường hoạt động hỗ trợ
Những năm gần đây, Hội ND tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho hội viên tổ chức liên kết sản xuất; hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ và dạy nghề để ND nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực. Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề chăn nuôi; trồng các cây trồng có hiệu quả như cà phê, sâm và giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Hội hướng dẫn bà con thành lập, duy trì hoạt động 57 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra và tăng giá trị nông sản.
Theo ông Thao Hồng Sơn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội ND các cấp trong tỉnh sẽ có nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phong trào ND chung sức xây dựng nông thôn mới, giúp ND phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hội phấn đấu không có cơ sở Hội yếu kém; hàng năm có từ 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất giỏi và giúp ND tiếp cận các kiến thức, thông tin thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất…
Tác giả bài viết: Lê Kiến
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã