Nông dân huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) chăn nuôi lợn, gà và bò cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hoàng Sơn
Nếu như năm 2010, Vĩnh Phúc chưa có xã nào đạt từ 16 -19 tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh mới có 5 xã đạt từ 12-15 tiêu chí, 26 xã đạt từ 8 -11 tiêu chí và 81 xã đạt dưới 8 tiêu chí thì đến nay, toàn tỉnh đã có 2 huyện nông thôn mới, 95/112 xã đạt 19 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 18,4 tiêu chí/xã, tăng 11,7% so với năm 2010. Đặc biệt, Vĩnh Phúc vươn lên xếp vị trí thứ 5 về tỷ lệ số huyện và thứ 10 cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM mà Vĩnh Phúc đã đạt được mới là bước đầu, tiêu chuẩn NTM giai đoạn sau đã có những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc xây dựng mô hình, giải pháp, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, sát thực tế, từ đó mới có thể giữ vững danh hiệu và tạo lập một NTM thực sự hiệu quả và bền vững. Vì thế ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn, các xã đều nỗ lực khắc phục khó khăn, vận dụng nhiều cách làm phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí, quyết tâm không để tuột danh hiệu này sau 5 năm xét công nhận lại.
Yên Lạc là huyện đầu tiên của Vĩnh Phúc đạt danh hiệu NTM vào cuối năm 2015. Chính quyền và nhân dân huyện không lơ là việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Từ khi được công nhận NTM, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hiện nay, huyện Yên Lạc đã có 16/16 xã đạt chuẩn NTM. Có xã như Liên Châu về đích từ 2013. Đây cũng là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Thực hiện xây dựng NTM theo kế hoạch, huyện chỉ đạo các xã giữ vững và nâng cao chất lượng xã NTM theo bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2017 - 2020. Riêng 3 xã Yên Đồng, Liên Châu, Nguyệt Đức đảm bảo đạt chuẩn 19 tiêu chí năm 2018. Xây dựng kế hoạch giữ vững và nâng cao chất lượng huyện NTM giai đoạn 2018 - 2020. Chỉ đạo các xã trên địa bàn huy động nguồn lực, vận động nhân dân thực hiện giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM các xã chỉ đạo, huy động nguồn lực thực hiện các nội dung tiêu chí NTM theo kế hoạch được giao, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong các nhiệm vụ chủ yếu năm 2018, huyện Yên Lạc đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Nhà nước. Triển khai thực hiện thí điểm dồn thửa đổi ruộng tại một số xã, thị trấn. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình thí điểm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 3ha tại xã Hồng Phương. Dự án phát triển sản xuất bền vững theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Diện mạo nông thôn mới xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc). Ảnh: Chu Kiều
Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Chỉ đạo 3 xã Yên Đồng, Liên Châu, Nguyệt Đức thực hiện đạt chuẩn bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017 - 2020 trong năm 2018. Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân chung sức giữ gìn và nâng chất các tiêu chí NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày được nâng lên. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động gần 4.000 tỷ đồng cho chương trình, trong đó 1.200 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, 96 tỷ đồng từ các doanh nghiệp và 2.700 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Nhân dân trong huyện hiến 63.000 m² đất, gần 9.000 ngày công xây dựng NTM.
Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng mục tiêu đến hết năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn NTM; năm 2020, có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cụ thể, trong năm 2018 thẩm tra, đề nghị thẩm định, xét công nhận huyện, thành phố, đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP Vĩnh Yên, Phúc Yên và 1 huyện là Tam Đảo. Năm 2019 thẩm định, đề nghị công nhận huyện Lập Thạch đạt chuẩn NTM. Năm 2020 hoàn thiện hồ sơ thẩm định các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương và Sông Lô đạt chuẩn NTM.
Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Trong đó, yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, y tế, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật…
Theo Quyết định số 372 của Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm kể từ khi về đích nông thôn mới, các địa phương sẽ phải xét công nhận lại. Để không bị loại khỏi danh sách đạt chuẩn, các địa phương đã về đích nông thôn mới của tỉnh cần nỗ lực duy trì, giữ vững và phát triển các tiêu chí.