Lời giải
Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cung cấp sinh kế cho gần 10 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% số dân, đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và 23%-35% giá trị xuất khẩu. Sự phát triển trong nông nghiệp thực sự là cơ sở tạo tiền đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhưng từ năm 1990 đến nay, tốc độ tăng năng suất trong nông nghiệp nước ta đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Nếu so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc, tốc độ tăng năng suất trong nông nghiệp nước ta chưa bằng một nửa của họ. Có sự chênh lệch lớn như vậy là bởi sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông-thủy sản chưa cao và đang phải đối mặt với những thách thức lớn:
- Dân số tăng, nhu cầu về nông sản thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Dân số nước ta hiện nay trên 90 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ vào khoảng 100 triệu người. Do dân số tăng, hàng năm nước ta có thêm ít nhất 0,9 triệu lao động tăng thêm ở khu vực nông nghiệp và nông thôn, trong khi quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa.
- Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra cũng ảnh hưởng lớn đến diện tích đất nông nghiệp. Theo các nhà khoa học, nếu nước biển dâng lên 1m thì 9 tỉnh Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tiền Giang và Cần Thơ sẽ bị ngập từ 24,7% đến 50,1% diện tích trên tổng số 11.475 km2.
- Do dân số tăng nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nước ta sẽ tăng lên ít nhất 11% - 12% so với hiện nay nên đòi hỏi nông nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà cả là chất lượng. Nhu cầu thực phẩm sạch cũng "nóng" lên hàng ngày. Hàng nông sản làm sao phải ngon, bổ, rẻ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu, sức cạnh tranh chất lượng hàng nông-thủy sản ngày càng quyết liệt, đó quả là những thách thức, sức ép rất lớn với nông nghiệp Việt Nam. Nếu cứ sản xuất manh mún, không đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi... và không phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì nông nghiệp nước ta không tăng trưởng mà còn thụt lùi xa hơn nữa với khu vực và thế giới. Vì thế đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... là lời giải đúng nhất của nông nghiệp nước nhà. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại khu nhà kính trồng rau sạch của dự án VinEco-Hà Nam ngày 2/2: "Không để tồn tại mãi hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau". "Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam".
"Nông nghiệp thông minh" hay còn gọi là "Nông nghiệp công nghệ cao" là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để làm ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.
Muốn có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì phải có vốn. Vì thế Thủ tướng đưa lời giải nâng gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, và sẽ đề nghị Quốc hội sửa Luật Đất đai 2013 theo hướng mở rộng hạn điền-tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách như trong tháng 3/2017 phải chỉnh sửa xong Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo các điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nhưng còn một ẩn số...
Tới năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp loại này đang là mục tiêu của nhiều tỉnh, thành. So sánh về điều kiện tự nhiên để làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta hơn hẳn Israel, Nhật Bản... Nhưng thực tiễn cho thấy, thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, cơ chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Và đây được coi là hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư phải phân vân khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành.
Đơn cử một ví dụ, Công ty cổ phần Ecofarm - doanh nghiệp trồng rau quả theo công nghệ nhà lưới lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào tình trạng hết sức khó khăn vì không tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hầu hết những người nộp đơn xin tuyển dụng đều không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì thế đơn vị này đã phải đưa gần 100 cán bộ đi một số nước như Nhật Bản, Israel để học tập kinh nghiệm. Hay Lâm Đồng, từ năm 2004, tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh có hơn 27.000 ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 8% tổng diện tích gieo trồng. Hiện toàn tỉnh có 150.000 ha có doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần bình quân chung của cả nước, trong đó, có trên 10.000ha có doanh thu từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Qua hơn 10 năm tiến hành nông nghiệp công nghệ cao, có chuẩn bị về nguồn nhân lực vậy mà đến năm 2020 mới có đủ cán bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ, giảng dạy, quản lý và sản xuất kinh doanh về công nghệ sinh học để đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao. Bạc Liêu cũng quy hoạch vùng tôm sinh học, tôm công nghệ cao gắn với thị trường và đang triển khai dự án khu nuôi tôm công nghệ cao với trên 300ha, cũng đỏ mắt tìm nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Mỗi năm vùng đồng bằng sông Cửu Long đào tạo gần 5.000 lao động phục vụ trong ngành nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang... nhưng tại sao các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao lại thiếu hàng nghìn cán bộ có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao? Vì các trường chỉ mới dừng lại ở việc đào tạo những kỹ sư nông nghiệp đơn thuần. Theo các chuyên gia: "Các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đang hết sức chắp vá, thiếu một sự hợp tác điều phối vĩ mô giữa các trường đại học đào tạo về nông nghiệp tích hợp cùng với các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ khác để chuẩn bị nhân lực lãnh đạo quản lý, khoa học kỹ thuật".
Đến nay, số trường trung cấp liên quan đến đào tạo nông nghiệp ở nước ta có hơn 10 trường. So với các nước là ít, nhưng nếu có mở thêm lại khó tuyển sinh, vì nhiều học sinh không muốn theo nghề nông. Vậy ai sẽ là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân? Ai là người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao? Lĩnh vực này phải được vận hành bởi "nông dân trí thức", nhưng trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo nghề cho người dân là việc cấp thiết, vì người nông dân vừa là người lao động nhưng cũng là những chuyên gia trên đồng ruộng.
Nhật Bản là một nước công nghiệp, vậy mà Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm và có chương trình đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Trung Quốc hiện có khoảng 300 trường đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó có 134 trường cao đẳng, người học trong các cơ sở này được miễn học phí và có thể được trợ cấp từ nhà nước.
Quyết tâm của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang nhen lên hy vọng có một "cuộc cách mạng lần 2" trong sản xuất nông nghiệp, để đời sống nông dân được ấm no hơn. Vì thế câu hỏi tìm đâu ra nhân lực công nghệ cao luôn phải được trả lời thỏa đáng. Đó mới là chìa khóa để ước mơ nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta trở thành sự thật.
Theo Đ.Ngọc/ VNE
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã