Học tập đạo đức HCM

Rác đô thị: nguồn lực để nâng cao chất lượng nông sản

Thứ tư - 15/02/2017 02:16
Những nơi không có nguồn phân chuồng thì rác thải đô thị là một tài nguyên quý để tái tạo thành phân hữu cơ rẻ tiền và hiệu quả cao, cứu tinh của các vùng đất thoái hóa.


Việt Nam cần dựa vào nguồn rác đô thị để chế tạo ra phân hữu cơ cần thiết nếu muốn phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Rác đô thị đang bị lãng phí
Mối lo lớn nhất của các cấp lãnh đạo nông nghiệp nước ta là tình trạng chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng sa sút về mức độ ngon, thơm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là hệ quả của phương cách sản xuất thâm canh không đúng kỹ thuật công nghệ cao (GAP) trong hơn 40 năm qua, dẫn đến tình trạng đất đai bị thoái hóa, khuyến khích nhiều loại sâu bệnh xâm nhập nên phải sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật. Kinh nghiệm của nhiều nông dân trí thức đã khẳng định áp dụng nghiêm túc kỹ thuật GAP trên nền phân hữu cơ và cân đối phân hóa học đã đảo ngược được những bất lợi nêu trên. Nhưng tìm đâu ra phân hữu cơ vừa rẻ tiền vừa hữu hiệu? Đáp án cho câu hỏi này có thể đến từ phân hữu cơ vi sinh được chế biến từ rác thải đô thị.
Thực tế nhiều năm qua, những phát minh khoa học ứng dụng vào lĩnh vực xử lý rác thải đã tái tạo những sinh khối đáng lẽ phải vứt đi hoặc chôn vùi trở thành phân hữu cơ có tác dụng cải thiện đất bị thoái hóa rất hữu hiệu. Tiếc thay, hiện nay, phần lớn các thành phố lớn của Việt Nam đang tiêu hủy nguồn tài nguyên này bằng cách đốt hoặc chôn vùi, vừa choán đất hữu dụng, làm ô nhiễm môi trường, vừa mất cơ hội sản xuất phân hữu cơ cho nông nghiệp.
Nguồn phân bón hữu cơ
Hầu hết vườn cây ăn trái ở Thái Lan đều được bón phân chuồng đã ủ oai, cá biệt có vài trang trại xoài dùng cả phân voi, làm tăng hương vị đậm đà của trái xoài. Ruộng lúa Thái được bón phân rơm rạ và phân chuồng, rất ít phân hóa học, ngoại trừ diện tích lúa cao sản. Tại Việt Nam, nguồn phân hữu cơ cổ truyền đến nay dựa vào phân heo, phân bò, phân gà, một ít phân xanh từ xác bã cây đậu... không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu rất lớn của đất thoái hóa của nước ta.
Hiện nay, bên cạnh các loại phân hữu cơ nhập khẩu, nhiều công ty phân bón trong nước cũng đã sản xuất nhiều sản phẩm phân hữu cơ khác nhau, có sự khác nhau về hàm lượng các chất dinh dưỡng, khoáng chất đa, trung, vi lượng, hàm lượng vi sinh vật. Nền phân hữu cơ của ta được lấy chủ yếu từ nguồn than bùn tại các mỏ than bùn trong nước, ước tính khoảng 7.100 triệu mét khối vào năm 1985 (www.dongduongcorp.com.vn), trong đó đồng bằng Nam bộ có trữ lượng than bùn chiếm hai phần ba trên cả nước (www.nld.com.vn). Đây là nguồn tài nguyên có hạn, cần được cân nhắc cẩn thận trong các hoạt động quy hoạch khai thác và sử dụng. Vì vậy, Việt Nam phải dựa vào nguồn nguyên liệu đầu vào khác để chế tạo ra phân hữu cơ cần thiết nếu muốn phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Như trình bày trên đây, một trong những nguồn nguyên liệu thay thế gần như vô tận có thể kể đến là nguồn rác đô thị (chất thải rắn sinh hoạt, CTRSH), là nguồn rác do con người thải ra trong các hoạt động sống của mình. Bất kể giàu hay nghèo, sống ở nông thôn hay thành thị, trẻ hay già, trong thời tiết nắng hạn hay mưa bão, ở vùng núi xa xôi hay miền biển, con người ai ai cũng đều có nhu cầu ăn uống mỗi ngày, và tất nhiên sẽ thải CTRSH ra môi trường xung quanh mình. Hơn nữa, cùng với việc tăng dân số, lượng CTRSH này cũng tăng tương ứng với đà tăng đó. Phần lớn rác thải chứa các vật liệu hữu cơ (từ hoa quả, rau củ) có thể tái tạo lại thành sản phẩm phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng.
Cần giáo dục cho người dân ý thức phân loại rác tại nguồn và/hay cải tiến dây chuyền tách lọc các chất vô cơ ra khỏi các vật liệu hữu cơ có thể làm phân bón hữu cơ.

Ngoài các yếu tố hạn chế của nguồn nguyên liệu CTRSH này so với than bùn, như lẫn tạp nhiều vật chất vô cơ khác (nylon các loại, kim loại, mảnh vỡ thủy tinh, vải sợi...) do quá trình vứt rác không qua phân loại tại nguồn (như ở Việt Nam) và nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người (E. coli, Salmonella...) cao hơn, thì CTRSH có những ưu điểm mà than bùn không có được như hàm lượng các chất dinh dưỡng tự nhiên trong CTRSH cao hơn than bùn, và đặc biệt là hàm lượng các chất hormones tăng trưởng tự nhiên và nhiều chất vi lượng từ các loại rau củ, hoa quả trong CTRSH là hoạt chất mà than bùn hoàn toàn không có được do sau quá trình tích tụ hàng ngàn năm, than bùn đã mất đi các chất đó.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy xử lý CTRSH trong cả nước đều chọn phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh hay đốt bỏ làm giải pháp xử lý chủ đạo. Chỉ một ít nhà máy có xử lý CTRSH thành phân bón hữu cơ (có chứa vi sinh hay không). Qua quá trình ủ phân hữu cơ, do nhiệt độ đống ủ lên cao nên các mầm bệnh nêu trên được khắc phục. Tuy nhiên, do người dân chưa quen với việc phân loại rác tại nguồn, các cơ sở xử lý CTRSH này gặp không ít khó khăn trong việc tách lọc các mảnh vỡ thủy tinh và nylon ra khỏi sản phẩm phân bón hữu cơ. Do đó, sản phẩm phân này đã gặp không ít khó khăn khi đưa vào thương trường. Cần khắc phục điểm yếu này bằng cách giáo dục cho người dân ý thức phân loại rác tại nguồn và/hay cải tiến dây chuyền tách lọc các chất vô cơ ra khỏi các vật liệu hữu cơ có thể làm phân bón hữu cơ.
Thế giới đã khám phá nhiều quy trình kỹ thuật ứng dụng vi sinh vật yếm khí chịu nhiệt độ cao để phân hủy tái tạo sinh khối rác thành phân bón hữu cơ rất hiệu quả. Các quy trình này có thể thực hiện bởi nông dân từ cấp hợp tác xã với trang bị thô sơ, rẻ tiền (như các cộng đồng dân châu Phi đã làm) cho đến các công ty chuyên nghiệp có trang thiết bị hiện đại ở cấp tỉnh (ở các quốc gia tiên tiến). Nhà nước cần có quy định và xử phạt nghiêm túc các hành vi xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định trên mặt đất và mặt nước ao hồ, sông ngòi; có chính sách giáo dục tập dần người dân có ý thức phân loại rác riêng biệt nhóm chai lọ thủy tinh, nhóm hộp kim loại chứa đồ ăn thứ uống, nhóm bao nylon, nhựa, mốp, và nhóm sinh khối phân hủy được.


Vai trò phân hữu cơ trong thời kỳ cạnh tranh nông nghiệp
Khi Công ty Kitoku thiết lập chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa Nhật Bản cho nhà máy xay xát chế biến gạo Nhật Bản tại Long Xuyên để cung cấp cho hệ thống bán lẻ tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, gạo Koshihikari do nông dân An Giang sản xuất theo quy trình kỹ thuật của Đại học An Giang cùng Công ty Kitoku xây dựng được khách hàng chấp nhận đạt chất lượng tương đương gạo Koshihikari sản xuất từ Nhật Bản. Nhưng chỉ vài năm sau, khách hàng đã than phiền về chất lượng gạo Koshihikari từ An Giang. Cũng với giống lúa Koshihikari ấy mà sao gạo từ An Giang nấu ăn không còn ngon như gạo từ Nhật Bản. Công ty bên Nhật cho phân tích thành phần gạo mới khám phá gạo Nhật từ An Giang chứa quá nhiều đạm. Truy lại vùng sản xuất, nông dân khai thật là đã bón thêm urê hơn lượng quy định vì muốn đạt năng suất cao hơn.
Bón quá nhiều phân đạm hóa học là... tập quán sản xuất phổ biến đối với hầu hết các nông sản tại Việt Nam, từ lúa, bắp, khoai, rau xanh, mía đến cây ăn trái, cao su, cà phê... Nông dân phần lớn bón phân không cân đối, không đúng cách, quá liều lượng, chủ yếu bón quá nhiều phân đạm (urê, sulphát amôn), ít chú ý đến phân hữu cơ, nên rất dễ quyến rũ sâu bệnh xâm nhập, do đó phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Đây là nguyên nhân làm tăng cao giá thành sản xuất và giảm độ ngon và độ an toàn vệ sinh của sản phẩm, trong khi môi trường đất, nước và không khí bị ô nhiễm.
Biện pháp phục hồi độ phì nhiêu của đất trên các ruộng, vườn suy thoái (đã được chứng minh hữu hiệu) là áp dụng phân hữu cơ có chất lượng cao kết hợp các chất vi lượng, hoặc phân vi sinh hữu hiệu. Phân hữu cơ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì độ màu mỡ, giữ nước, vi sinh vật và các loại dinh dưỡng cho đất và bộ rễ cây trồng, đặc biệt là trong xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, theo các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP hay GlobalGAP. Nói cách khác, xu hướng phát triển nền nông nghiệp dựa vào hữu cơ mang tính tất yếu trong tương lai để nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Tác giả bài viết: GS. Võ Tòng Xuân

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập301
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại816,314
  • Tổng lượt truy cập90,879,707
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây