Để có được một chỗ đứng trên thị trường hiện tại, Thái Lan đã thực hiện nhiều chính sách nhằm xây dựng thương hiệu nông sản cho mình và thực hiện có hiệu quả việc xây dựng thương hiệu nông sản nhằm tạo vị thế riêng trên thị trường thế giới.
Chất lượng - cơ sở xây dựng thương hiệu
Thực tế, sản phẩm của Thái Lan luôn được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn, tạo dựng uy tín để có được hợp đồng với các vùng nguyên liệu hoặc với các tổ chức có nguồn nguyên liệu chất lượng.
Để có được các sản phẩm nông sản có chất lượng tốt, Thái Lan đã áp dụng nhiều chính sách nhằm phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia. Đầu tiên phải kể đến là việc các nhà khoa học Thái Lan nghiên cứu và phát triển những thế hệ cây trồng siêu năng suất, cải thiện chất lượng giống thông qua kỹ thuật chuyển gene, công nghệ nuôi cấy mô và công nghệ di truyền.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng đã xây dựng được định hướng dài hạn cho ngành nông sản Thái Lan với nhiều chính sách phát huy được hiệu quả. Điển hình là thông qua chính sách đẩy mạnh việc nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học để sản xuất nông sản sạch và chất lượng, đi theo lộ trình phát triển theo hướng bền vững.
Ngoài ra, các chính sách nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản Thái Lan cũng được thực hiện triệt để. Đối với mặt hàng lúa, Bộ Thương mại của Thái Lan đã có chính sách chỉ mua lúa theo tiêu chuẩn, từ đó các doanh nghiệp cũng sẽ được mua sản phẩm tốt. Các sản phẩm gạo xuất khẩu luôn được đánh giá cao về chất lượng.
Còn đối với mặt hàng xoài, các doanh nghiệp và nhà nước chỉ hợp đồng với nhóm nông dân, rồi họ sẽ tự quyết định hàng tháng ai sẽ đưa sản phẩm đến. Hàng của họ phải được đảm bảo từ khâu trồng trọt theo tiêu chuẩn, đến khâu đóng gói phải tuân thủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính bởi tiêu chuẩn chất lượng cao ở các sản phẩm nông sản mà Thái Lan đã dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chế biến sang các quốc gia châu Âu và châu Mỹ, nổi bật là Canada và Mỹ. Đây là những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chuẩn đi kèm như nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý,… Đồng thời, Thái Lan tích cực thâm nhập vào các nước láng giềng như Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hồng Kông,…
Xây dựng thương hiệu nông sản cho một số sản phẩm tiêu biểu
Trong chiến lược tuyên truyền hàng xuất khẩu, gạo Thái được đặt lên vị trí hàng đầu khi Thái Lan đã đổ nhiều công sức và tiền bạc vào công tác quảng cáo. Bên cạnh đó, việc Thái Lan tận dụng tối đa các cơ hội sẵn có như Festival, Hội chợ, Triển lãm cả trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu nông sản thành công cho Thái Lan.
Ngoài ra, Thái Lan còn hợp tác với các nước, nhất là các nước trong khối ASEAN để lập ra các tổ chức như Hiệp hội lúa gạo, Hợp tác đối tác trao đổi lúa gạo, Hiệp hội tiêu thụ gạo,… nhằm để trao đổi và tăng cường sự hợp tác với các nước, góp phần giúp cho “Gạo Thái” trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Trái cây cũng được xem là một trong những thương hiệu nông sản mạnh của Thái Lan trên trường thế giới. Để giúp thương hiệu nông sản Thái Lan đến gần hơn với thị trường toàn cầu, Thái Lan đã sử dụng dịch vụ “một cửa” thông qua việc cung cấp nguyên liệu trái cây ở một chợ trung tâm. Do đó người môi giới sẽ thu gom trái cây tươi từ các trang trại rồi đưa về nhà máy chế biến.
Sau đó, trung tâm Dịch vụ xuất khẩu nông sản một cửa POSSEC sẽ hoàn tất các thủ tục hải quan, nhận giấy chứng nhận xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch cũng như kiểm tra an toàn vệ sinh ngay tại POSSEC.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng xây dựng “Hội đồng thương mại về trái cây Thái Lan” để kiểm soát và điều phối các vấn đề chung cho thương hiệu trái cây như thực hiện marketing, thương hiệu,…Điều này giúp đẩy mạnh truyển thông các đặc tính nổi trội của các chủng loại trái cây gắn liền với Thái Lan một cách đồng bộ.
Bên cạnh lúa gạo, trái cây, thủy sản cũng được xem là thương hiệu nông sản được Thái Lan xây dựng thành công trên thị trường Quốc tế. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm đã qua chế biến, một phần nhỏ là các sản phẩm đông lạnh.
Điểm mấu chốt vẫn là việc chú trọng đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tính toàn vẹn môi trường, v.v..
Bằng những chính sách xây dựng thương hiệu nông sản hiệu quả đã biến Thái Lan trở thành một trong số những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu như gạo, thủy sản, hoa quả. Hiện tại, Thái Lan vẫn đang cố gắng nỗ lực để trở thành “Bếp ăn của thế giới” trong tương lai.
Tác giả bài viết: Phùng Uyên
Nguồn tin: thethaovanhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã