|
Chưa phát huy hết tiềm năng
Theo Cục Trồng trọt, diện tích chè cả nước năm 2016 đạt 133,4 nghìn ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 115 nghìn ha. Về sản lượng, năng suất chè cả nước năm 2016 bình quân đạt 86,9 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn một triệu tấn. Tuy nhiên, việc sản xuất chè vẫn gặp nhiều khó khăn do hàng nghìn hộ sản xuất, chế biến chè xanh và chè đặc sản nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống. Hơn nữa, các cơ sở chế biến nhỏ tự phát không theo quy hoạch với công nghệ chắp vá, lạc hậu. Nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống có chất lượng thấp, quy mô sản xuất nhỏ với bình quân khoảng 0,2 ha/hộ, sản xuất kém bền vững.
Bên cạnh đó, một số nơi doanh nghiệp mua nguyên liệu tự do, không theo phẩm cấp phân loại và không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Và, mặc dù các loại giống mới đã được trồng đại trà, với bộ giống chè khá đa dạng cho chất lượng, năng suất cao, có hương vị đặc biệt, song hiện vẫn chưa có quy trình kỹ thuật chế biến cụ thể cho từng giống để phát huy hết tiềm năng của giống cũng như lợi thế vùng sinh thái.
Nông dân trồng chè chưa quan tâm kỹ thuật thu hái và chất lượng nguyên liệu, làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, cũng như tăng chi phí đầu tư và nhân công trong quá trình chế biến. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển, bảo quản nguyên liệu chè búp tươi không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, khiến chất lượng chè nguyên liệu giảm nhanh sau thu hoạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) Nông Ích Chấn, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, chè shan tuyết Suối Giàng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất nơi đây. Nhưng thực tế, một số nơi vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có để phát huy hiệu quả loại cây trồng này. Nguyên nhân chủ yếu do một số diện tích chè hiện sinh trưởng, phát triển kém, song chưa có giải pháp đầu tư chăm sóc hợp lý. Hướng đi sắp tới của địa phương là áp dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh chè, các tiêu chuẩn vào sản xuất, kinh doanh để hình thành các vùng chè an toàn.
Tại tỉnh Phú Thọ, quy mô sản xuất chè nguyên liệu bình quân chỉ khoảng 0,3 - 0,4 ha/hộ, cho nên khó tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật và chứng nhận chè an toàn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, phần lớn diện tích chè phụ thuộc vào nước trời, chưa phát huy năng suất của giống. Thêm vào đó, mức đầu tư phân bón cho chè nhìn chung còn thấp, mất cân đối và chưa đáp ứng nhu cầu thâm canh.
Cùng vấn đề trên, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Công Nông cho biết, hiện nay một số vùng trồng chè của tỉnh diện tích còn manh mún, không tập trung, cho nên việc hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất chè bền vững gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các địa phương vùng núi có đất đai, khí hậu thích nghi với cây chè đặc sản, nhưng trình độ thâm canh của người sản xuất chưa cao, dẫn đến năng suất thấp; đồng thời chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất chè, từ liên kết, thu mua, chế biến đến bao tiêu sản phẩm.
Mặc dù các chương trình IPM, VietGAP giúp việc trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao, song trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các vùng chè đều không còn tổ chức hợp tác xã, nông dân tự canh tác trên diện tích nhỏ, dẫn đến chất lượng không đồng đều; việc thâm canh tăng năng suất đã làm cân bằng sinh học bị phá vỡ, sâu bệnh hại chè gia tăng, mức độ gây hại ngày càng lớn. Để phòng trừ các loại bệnh dịch chính trên cây chè, phần lớn người dân chỉ sử dụng biện pháp truyền thống là phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần trong vụ. Theo điều tra, 49% số nông dân sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% số người dân sử dụng hỗn hợp hai loại thuốc khi phun và 14% số người dân dùng hỗn hợp ba loại thuốc khi phun, trong khi nông dân không hề biết việc sử dụng nhiều loại làm tăng nồng độ thuốc lên rất nhiều lần. Ngoài ra, gần 50% số người dân canh tác chè phun bảy lần/vụ, có những hộ phun bốn lần/tháng gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè.
Thu hoạch chè tại huyện Mộc Châu (Sơn La).
Chế biến gắn với quy hoạch
Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng chè ở nước ta đang tồn tại một số giống đã thoái hóa có chất lượng thấp. Ngoài ra, diện tích vườn chè già hơn 20 năm chiếm tới 25%, năng suất và chất lượng búp đã suy giảm. Thực trạng ấy đòi hỏi phải trồng lại và loại bỏ hoàn toàn những giống chè chất lượng sản phẩm thấp trong những năm tới. Để cây chè phát huy hết tiềm năng, các bộ, ngành, địa phương cần tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng chè, đốn và tạo tán cây, sử dụng phân bón, áp dụng GAP..., khuyến cáo nông dân không cắt chè bằng liềm; thu hái chè bằng tay đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng máy hái chè nhưng bảo đảm điều kiện kỹ thuật trồng và chăm sóc theo yêu cầu của vườn chè hái máy. Một trong những giải pháp cơ bản nữa là tuyên truyền đẩy mạnh an toàn vệ sinh thực phẩm cho nguyên liệu chè búp tươi, bằng cách thực hiện VietGAP/GAP ở tất cả vùng trồng chè trên quy mô toàn quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để cây chè phát triển, các địa phương cần quy hoạch sản xuất chè gắn với lợi thế vùng sinh thái, vùng nguyên liệu và thị trường làm cơ sở để quản lý chất lượng, phát triển bền vững ngành chè. Từ đó, rà soát quy hoạch, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, loại bỏ các cơ sở chế biến lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần thực hiện phương thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để giúp cây chè phát triển bền vững. Chia sẻ với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, IPM là một phương pháp không thể thiếu trong sản xuất chè an toàn bền vững. Hiện nay, đang có hai thị trường, trong nước chủ yếu là chè xanh (khoảng hơn 20%), còn lại là xuất khẩu. Về tồn dư hóa chất độc hại trên sản phẩm tiêu thụ trong nước, hầu như chưa kiểm soát được.
Vấn đề này, Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp phát triển, nhằm khắc phục những bất cập. Giải pháp cơ bản là tiến hành quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi. Thực tế cho thấy, dự án “Nâng cao chất lượng và an toàn nông sản và phát triển khí sinh học QSEAP (2009 - 2015)” vay vốn từ ADB đang giúp các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Yên Bái, Lâm Đồng quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất chè an toàn; tài trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, thay thế giống mới, tập huấn VietGAP… cần được đánh giá, nhân rộng để mở rộng sang các vùng trồng chè khác.
Ngoài ra, cần đầu tư nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cây chè. Đồng thời, phát triển các dự án khuyến nông về sản xuất chè an toàn gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm chè. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất, tiêu thụ chè an toàn. Tăng cường kiểm tra sản xuất, chế biến chè, có giải pháp quản lý, tổ chức, chỉ đạo kịp thời. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất với nhà máy chế biến, hình thành tổ dịch vụ bảo vệ thực vật để sản xuất chè bền vững.
Đến nay, Cục Trồng trọt đã chỉ định 15 tổ chức chứng nhận VietGAP cho chè búp tươi trên cả nước. Các tổ chức chứng nhận VietGAP đã chứng nhận cho 197 cơ sở sản xuất chè, với diện tích gần 10 nghìn ha; trong đó tập trung ở một số tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai, Lâm Đồng và Thái Nguyên. |
Tác giả bài viết: NGỌC HÙNG THÀNH và HỒNG SƠN
Nguồn tin: www.nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã