Gia đình ông Hoàng Xuân Tin, xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) có 12 ha nuôi tôm, trong đó quy hoạch 5 ha chuyên canh nuôi tôm, 7 ha còn lại làm ao chứa và lắng nước. Để chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm nay gia đình ông đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để cải tạo ao đầm, áp dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng, nhằm gây vi sinh diệt vi khuẩn trong nước, trong tảo để ổn định môi trường nuôi, giảm tối đa sử dụng hóa chất kháng sinh trong vụ nuôi và ít dịch bệnh.
Hệ thống lọc nước và khí phục vụ cho việc nuôi tôm của ông Hoàng Xuân Tin, xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Đến nay, gia đình ông đã thả giống được 40% diện tích ao nuôi. Ảnh: Hồng Diện |
Còn anh Nguyễn Đình Tuấn ở xóm 11, xã Quỳnh Thanh đã hoàn thành việc thả gần 25 vạn tôm giống trên diện tích 4.000 m2. Để tôm sinh trưởng và phát triển nhanh, anh luôn cân đối lượng thức ăn phù hợp và sử dụng các loại thuốc chống xốc, khử phèn, kim loại nặng trong ao nuôi, kiểm tra chất lượng nước nhằm có biện pháp điều chỉnh, cân bằng độ PH cho phù hợp. Cùng với đó, bổ sung chất khoáng tăng sức đề kháng cho tôm.
Kế hoạch nuôi tôm vụ 1 năm nay của huyện Quỳnh Lưu là 465 ha ở các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, An Hòa, Quỳnh Đôi, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Sơn Hải,.. đến nay bà con đã xuống giống được khoảng 90 ha.
Một số hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu ) giăng lưới phía trên để tránh các loại chim sà xuống bắt tôm khi mùa vụ đến. Ảnh: Hồng Diện |
Để một vụ nuôi đạt cả về sản lượng, chất lượng và giá trị, huyện đã chỉ các địa phương tuyên truyền các hộ nuôi đối với tôm thẻ chân trắng nên thả mật độ từ 60 – 100 con/m2; đối với tôm sú nuôi mặn, lợ theo hình thức thâm canh, bán thâm canh mật độ từ 15 – 20 con/m2, nuôi quảng canh cải tiến mật độ 6 – 8con/m2.
Với mục tiêu hạn chế tối đa dịch bệnh, khuyến cáo các hộ nuôi tôm chỉ thả 2/3 diện tích, 1/3 còn lại để làm ao lắng nhằm tạo nguồn dự trữ và cung cấp nước sạch phục vụ kịp thời cho việc chăn nuôi.
Nhiều hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thay thế bạt lót đáy thông thường bằng bạt HDPE. Ảnh: Hồng Diện |
Trước vụ nuôi năm nay, các hộ đã mạnh dạn đầu tư thay thế bạt lót đáy thông thường bằng bạt HDPE. Đây là loại bạt với nhiều tính năng vượt trội như khả năng kháng tia UV và tác động của thời tiết, có khả năng kháng hóa chất, chống ô xy hóa, tránh mất nước cho ao nuôi, phòng chống dịch bệnh tốt. Đặc biệt có thể sử dụng được từ 8 – 10 năm, giúp người nuôi giảm được chi phí sản xuất.
Để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, bên cạnh sự đầu tư của nhân dân, Quỳnh Lưu có Dự án nâng cấp, cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản, gồm các hạng mục đầu tư: nâng cấp hệ thống kênh mương, cấp, thoát nước, bể lắng và hệ thống giao thông trên kênh, được triển khai xây dựng từ tháng 9/2016, với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 60 tỷ đồng, vốn địa phương 5 tỷ đồng.
Việc đầu tư tốt về hạ tầng vùng nuôi sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong cải thiện môi trường nước cho nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Xuân Hoàng |
Dự án nâng cấp, cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản khi hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, đảm bảo cấp nước ổn định cho 158 ha nuôi trồng thủy sản mặn, lợ cho các xã: Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, Quỳnh Thọ của huyện Quỳnh Lưu.
Tác giả bài viết: Hồng Diện - Xuân Hoàng
Nguồn tin: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã