Học tập đạo đức HCM

Tạo chuỗi cung cấp an toàn

Chủ nhật - 19/03/2017 11:26
Năm 2017, Hà Nội dự kiến xây dựng 100 chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Đây là một trong những mục tiêu nhằm kiểm soát từ gốc, tạo chuỗi nông sản an toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời hướng tới thực hiện hiệu quả “Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Sản xuất rau an toàn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều hạn chế trong kiểm soát nông sản

Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, nhằm kiểm soát nông sản từ gốc. Hiện toàn thành phố đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, 5.300ha rau an toàn; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 25 vùng nuôi thủy sản tập trung. Ngoài ra, có 90ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 254ha cây ăn quả VietGAP; xây dựng được 60 chuỗi liên kết ATTP. 

Tuy nhiên, việc xây dựng các vùng sản xuất an toàn cũng như kiểm soát chất lượng vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội đánh giá, do sản xuất nông nghiệp manh mún, nên việc kiểm soát người dân sử dụng các loại kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất khó. Năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 3.449 mẫu rau, quả, chè, thịt… và phát hiện 159 mẫu vi phạm các chỉ tiêu ATTP, trong đó có 2,4% mẫu vượt các chỉ tiêu hóa học (chất cấm, kháng sinh, dư lượng thuốc BVTV); 17/57 mẫu dương tính với chỉ tiêu salbutamol (một loại hóa chất giúp tạo nạc, màu thịt tươi, bắt mắt). 

Thực trạng này có căn nguyên từ ý thức của người dân không cao, chạy theo lợi nhuận nên đã bỏ qua tác hại từ các loại thuốc BVTV, kháng sinh gây ra cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hữu Chi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, để từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, như vùng rau an toàn ở xã Khai Thái, lúa hàng hóa ở xã Hồng Thái; thủy sản ở xã Chuyên Mỹ... Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, kinh phí đầu tư hạn chế, nên một số hộ dân đã vi phạm quy định trong sử dụng thuốc BVTV, chất cấm... dẫn tới tồn dư hóa chất trong sản phẩm, hiệu quả kinh tế thấp.

Ở khâu tiêu thụ, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ an toàn cũng gặp không ít hạn chế. Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), hiện nay có một số chuỗi liên kết nông sản an toàn chưa chặt chẽ; khối lượng, chủng loại sản phẩm rau còn đơn điệu. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, chỉ tập trung vào thời vụ chính, chưa hình thành vùng hàng hóa quy mô lớn; chi phí bao bì, tem nhãn cao, trong khi đó giá bán chưa tương xứng nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng không dễ dàng... Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, việc kiểm soát ATTP ở cơ sở đối mặt với nhiều khó khăn, cụ thể là đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại các xã, thị trấn không được đào tạo chuyên ngành, hoạt động kiêm nhiệm; kinh phí dành cho công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản hạn chế...

Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm 

Để siết chặt công tác quản lý ATTP ở cơ sở và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, Ngày 1-3, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về "Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017" với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh ATTP. Đặc biệt là ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và bảo quản, chế biến; chấn chỉnh việc giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ thịt giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật có hại. 

Hiện UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất UBND thành phố ban hành văn bản triển khai nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đã đề ra. Mục tiêu hướng đến là tăng cường kiểm soát từ gốc, tạo nên các chuỗi nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, Sở đã có kế hoạch phối hợp với các huyện xây dựng vùng sản xuất an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra của nông sản. Các cơ quan chuyên ngành của Sở sẽ tăng cường kiểm soát sản phẩm nông nghiệp từ các tỉnh đưa về Hà Nội. 

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành về ATTP ở các địa phương, đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát, trong đó tập trung vào các sản phẩm tươi sống để kịp thời phát hiện, cảnh báo, điều tra, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về ATTP. Đồng thời hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị thực phẩm an toàn theo hướng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.

Ông Chu Phú Mỹ khẳng định, Sở NN&PTNT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không đáp ứng điều kiện về chất lượng, ATTP theo quy định của pháp luật; đồng thời nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vật tư và ATTP nông nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm nông, lâm, thủy sản.

Tác giả bài viết: Ngọc Quỳnh

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới

 Tags: an toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập322
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm317
  • Hôm nay81,030
  • Tháng hiện tại786,143
  • Tổng lượt truy cập90,849,536
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây