Bà Thuỳ cho hay, khác với hàng xóm chỉ chăm bón tiêu theo cách truyền thống hoặc truyền miệng kinh nghiệm, bà lên mạng tự mày mò xem các cách hướng dẫn trồng, chăm sóc tiêu.
“Ông thầy” Internet, Google (theo cách gọi của bà) đã đưa bà lần đầu biết đến những khái niệm như thâm canh theo hướng sinh học, chế phẩm vi sinh... Từ đó, bà đã biết thêm nhiều kỹ thuật canh tác sử dụng hiệu quả thuốc BVTV, các loại phân bón phù hợp với từng giai đoạn phát triển của hồ tiêu.
Ngày nay, những nông dân hiện đại không còn “trông trời, trông đất, trông mưa” như bà Thuỳ không hiếm. Tại Củ Chi, bất chấp những cơn mưa nặng hạt đầu mùa, vườn rau quả của bà Xuân vẫn xanh mướt. Tất cả đều được bà canh tác trên bầu giá thể (thay thế cho đất bằng phương pháp thủy canh). Đây là cách giúp tiết kiệm phân bón và ngăn ngừa nấm bệnh bà học được từ nông dân Australia.
“Nông nghiệp hóa đi cùng kỹ thuật tiến bộ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đây là cách làm giàu hiệu quả và bền vững cho nông dân chúng tôi”, bà Xuân cho biết.
|
Canh tác thông minh nhờ công nghệ. |
Câu chuyện của bà Thùy ở Gia Lai hay bà Xuân ở Củ Chi chỉ là một vài gương mặt nông dân đang áp dụng kỹ thuật hiện đại trong nông nghiệp tại Việt Nam, nơi phần lớn người nông dân vẫn còn canh tác theo tập quán.
Các thiết bị thông minh phổ biến ở nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như cảm biến, bộ điều tiết tự động để tưới tiêu, bón phân; hay vệ tinh để thu thập dữ liệu nông trại, công nghệ tài chính phục vụ trang trại (farm fintech)… còn quá xa lạ và phải mất rất lâu nữa mới đến tay người nông dân Việt Nam, như đánh giá của nhiều chuyên gia.
Trong năm 2017, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt tới con số kỷ lục 36,37 tỷ USD, xếp thứ 2 trong khối ASEAN. Không chỉ ở những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, trong lương lai, khi tham gia vào CPTPP, nhiều cánh cửa ở các thị trường lớn sẽ tiếp tục mở ra cho nông sản Việt. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, nông nghiệp Việt sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập.
Để có thể cạnh tranh với các thị trường khác, nông sản Việt Nam phải đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng được nhiều yêu cầu nghiêm ngặt từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Nông dân Việt Nam cũng gặp thách thức không nhỏ từ thiên nhiên, khi Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu không ứng dụng công nghệ trong canh tác, nông dân sẽ ngày càng gặp nhiều rủi ro, mùa màng thất bát, cây trồng bị dịch bệnh kéo theo chi phí đầu vào tăng.
Mặt khác, ngành nông nghiệp cũng sẽ không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. GS.TS Nguyễn Tử Siêm, Trưởng ban soạn thảo Bách khoa thư chuyên ngành Nông nghiệp và Thủy lợi cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp đã giúp nền nông nghiệp nhiều nước đạt nhiều thành tựu. Nông nghiệp 4.0 đã giúp Mỹ, Brazil, Argentina giảm 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương.
Không chỉ các quốc gia phát triển mới ứng dụng thành quả công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, trong khối ASEAN, nông nghiệp 4.0 đã giúp nông dân trồng ớt ở Malaysia tăng thu nhập hơn gấp đôi.
|
Áp dụng tiến bộ công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao và cơ hội làm giàu bền vững. |
Theo ông Siêm, các thuật toán thông minh, thiết bị kết nối vạn vật (IoT), quản lý dữ liệu lớn (big data), nông trại số hóa (digital farming) có thể giúp nông dân phân phối nước, phân bón và thuốc trừ sâu chính xác thời điểm cây cần. Nhờ đó, có thể đảm bảo tính sinh lời, tính bền vững và thân thiện môi trường. Nông dân cũng sẽ tránh được việc lạm dụng phân và thuốc, tiết kiệm chi phí và nâng cao sản lượng, chất lượng.
Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam xuất phát từ sản xuất nhỏ, quy mô hộ thể. Vì thế việc áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác, sản xuất sẽ hết sức khó khăn. “Giải pháp hiệu quả nhất là liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp để hình thành mô hình đào tạo mới. Như vậy, phương pháp khuyến nông phải thay đổi căn bản”, ông Siêm nói.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Chi Lan cũng cho rằng để vượt qua được thách thức này, nông dân và doanh nghiệp phải bắt tay với nhau. Một mình nông dân sẽ không đủ tiềm lực để tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ chính sách tín dụng cho các chương trình nông nghiệp.
Theo Zing
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã