Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh trong cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó, tỉnh cũng chú trọng quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê năm 2016, diện tích gieo trồng rau của Vĩnh Phúc khoảng 9.017 ha với cơ cấu chủng loại phong phú, trong đó: diện tích rau cải các loại đạt 1.458 ha, chiếm 16,17%; bí đỏ đạt 1.439,8 ha, chiếm 15,97%; rau muống đạt 1.145,3 ha, chiếm 12,7%; còn lại là cà chua, khoai tây, dưa, hành, tỏi, ớt, rau các loại... Năng suất trung bình đạt 198,83 tạ/ha, sản lượng đạt 179.284,2 tấn...
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác, hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị, đầu năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất và được Tỉnh ủy đồng ý chủ trương triển khai thực hiện Chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN: Xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017-2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) tại Thông báo số 736-TB/TU ngày 24/3/2017.
Ngày 03/5/2017, HĐND tỉnh ban hành văn bản số 76/HĐND-KTNS về việc bổ sung kinh phí cho 02 Chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN.
Thực hiện các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, ngày 09/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1392/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ “Xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” giai đoạn 2017-2020.
Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình
Được biết, Chương trình sẽ tập trung xây dựng được 01 mô hình (20 ha trong vùng quy hoạch, mở rộng liên kết với 80 ha) thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi; sản phẩm từ các mô hình đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu....
Từ đó, nghiên cứu, đề xuất việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Trung ương ban hành hoặc xây dựng, đề xuất trình các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách (bao gồm cả các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh), quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng loại hình áp dụng trên địa bàn tỉnh,... Song song, tiến hành theo dõi, nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp với điều kiện thực tế: sơ đồ hóa (mang tính hệ thống) các tác nhân tham gia sản xuất, phân phối, tiếp thị, và bán sản phẩm; đặc điểm của các tác nhân tham gia, cơ cấu lợi nhuận và chi phí, dòng hàng hóa trong suốt chuỗi... Đồng thời, theo dõi, phân tích, đánh giá, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách (cơ chế, chính sách đặc thù) hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh (đối với DN, HTX, tổ hợp tác, người lao động... cũng như theo dõi, nghiên cứu, tổng kết đánh giá, hoàn thiện mô hình, làm hình mẫu để tổ chức tham quan học tập, các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ,...
Chương trình cũng triển khai 04 đề tài nghiên cứu gồm: đánh giá, hoàn thiện một số quy trình công nghệ trong sản xuất rau (ớt, ngô ngọt, bí đỏ) an toàn VietGAP và xây dựng mô hình trồng luân canh, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa rau tại tỉnh Vĩnh Phúc; xây dựng quy trình đăng ký, vận hành, phát triển thương hiệu sản phẩm kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và truy xuất nguồn gốc đối với 03 sản phẩm rau quả (ớt, bí đỏ, ngô ngọt) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; đề xuất các cơ chế, chính sách (đặc thù) và hệ thống các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rau quả (ớt, bí đỏ, ngô ngọt) trong mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao và yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; đề xuất các hình thức hợp tác, liên kết và các mô hình quản lý/giám sát, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả (ớt, bí đỏ, ngô ngọt) và yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chương trình triển khai trong vòng 4 năm, từ năm 2017 đến năm 2020 tại các huyện Bình xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Phúc Yên với tổng kinh phí trị giá 83, 816 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước là 55, 506 tỷ đồng và nguồn kinh phí của tổ chức (DN, HTX), người dân trị giá 28,31 tỷ đồng.
Thuận lợi và khó khăn khi triển khai
Có thể thấy, chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ “Xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” là một trong hai Chương trình KH&CN lớn, được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhằm tạo ra bước đột phá trong nghiên cứu KH&CN, là cơ sở để sau này triển khai ra diện rộng trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế tất yếu trong tình hình mới, vì vậy trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực, phối hợp tốt với các Sở, UBND huyện trong việc tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản phê duyệt Chương trình, tổng dự toán của Chương trình, dự toán và kế hoạch lựa chọn các hạng mục của Chương trình... Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các Sở, ngành, UBND cấp huyện... sẽ không đạt được những kết quả nêu trên.
Trong quá trình xây dựng để đi đến thực hiện, các Sở đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Chương trình; điều chuyển nguồn kinh phí của Chương trình từ nguồn sự nghiệp kinh tế sang nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ; tham gia thẩm định thiết kế - dự toán các hạng mục đầu tư; Doanh nghiệp tham gia Chương trình, là doanh nghiệp tiên phong, dũng cảm đi đầu trong việc tham gia vào chuỗi sản xuất rau quả - một lĩnh vực đầy rủi ro mà nhiều doanh nghiệp khác không dám đầu tư, không dám tham gia Chương trình. Các doanh nghiệp bước đầu đã chủ động, triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của mình, đồng thời có sự phối hợp tốt với Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai Chương trình. Hơn nữa, các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm 04 đề tài nghiên cứu khoa đã khẩn trương triển khai các nội dung nghiên cứu. Việc triển khai các đề tài nghiên cứu này rất cần thiết nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ, liên kết, hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất, rau quả... Thông qua kết quả nghiên cứu của các đề tài, là cơ sở để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi còn khó khăn, đó là: là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, nên không tránh khỏi khó khăn. Do đó, cần sự vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước vào nội dung cụ thể của Chương trình. Cũng vì là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, nên việc tư vấn rất khó tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong các nội dung của Chương trình.
Thêm vào đó, đây là chương trình có quy mô, kinh phí lớn, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh và là tỉnh đầu tiên trong 63 tỉnh, thành trên cả nước được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện, do vậy các Sở tham gia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ còn băn khoăn (do chưa có tiền lệ) trong việc thẩm định: tổng dự toán kinh phí của Chương trình; thiết kế dự toán các hạng mục đầu tư: mua sắm thiết bị của Chương trình sản xuất rau (do trên thị trường không có dây chuyền đồng bộ, giá cả phù hợp điều kiện Việt Nam) nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Chương trình.
Ngoài ra, khi thẩm định nội dung, thiết kế- dự toán một số hạng mục của Chương trình, một số cơ quan còn cứng nhắc trong việc thực hiện quy trình ISO nên thời gian có kết quả thẩm định bị ảnh hưởng; báo cáo tổng hợp chưa rõ ràng theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... do vậy khó khăn cho việc ban hành quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia Chương trình mặc dù rất nỗ lực, huy động các nguồn vốn triển khai các nội dung của Chương trình (thuê đất, xây dựng nhà xưởng, đối ứng kinh phí mua giống, vật tư, phân bón....) song cũng còn gặp khó khăn về vốn khi phải đầu tư, đối ứng nhiều nội dung của Chương trình.
Trên cơ sở bước đầu triển khai chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại tại một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin... qua đó học hỏi kinh nghiệm triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, công tác dồn điền đổi thửa, thuê đất.. đã triển khai có hiệu quả và tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm rau quả…
Cũng theo Sở, đây là chương trình lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh, nên đề nghị các Sở, ngành khi thẩm định thiết kế-dự toán các hạng mục đầu tư, hỗ trợ của Chương trình rất cần sự vận dụng linh hoạt các quy định của nhà nước về hỗ trợ, mua sắm thiết bị, thuê đất... Đặc biệt, tích cực hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia./.
Tác giả bài viết: Hà Anh
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã