xã Trà Cổ là vùng nuôi tôm càng xanh tập trung lớn nhất tại Đồng Nai. Ảnh minh họa: TTXVN
Năm 2016, hơn 20 hộ tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai áp dụng thành công quy trình VietGap trong nuôi tôm càng xanh. Dù bỏ nhiều công sức để nuôi theo tiêu chuẩn sạch, song mỗi khi xuất bán, những con tôm VietGap vẫn có giá như tôm thường. Do hiệu quả mô hình nuôi tôm chuẩn VietGap không như kỳ vọng, nhiều nông dân đang tính buông bỏ, trở về với cách nuôi thông thường.
Năm 2015, huyện Tân Phú quyết định thành lập ra Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh ở xã Trà Cổ, với 32 thành viên, canh tác trên 50 ha diện tích. Để tạo đột phá cho nghề nuôi tôm ở địa phương, Tổ hợp tác kêu gọi hơn 20 hộ nuôi tôm theo quy trình VietGap trên diện tích 36 ha. Giữa năm 2016, mô hình nuôi tôm càng xanh VietGap đã thành công, được ngành chức năng công nhận đạt chuẩn.
Theo ông Trần Văn Nơi (người nuôi tôm VietGap ở xã Trà Cổ), khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap, gia đình ông phải đầu tư nhiều công sức, tiền. Đầu tiên là cải tạo, đảm bảo cho ao nuôi phải sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh, trong quá trình nuôi phải ghi chép nhật ký từ khi thả tôm giống đến khi xuất bán. Hơn 2 năm qua, ông Nơi đã xuất bán nhiều tấn tôm VietGap, nhưng giá bán chưa bao giờ cao hơn tôm nuôi thông thường, vẫn chỉ dao động từ 160.000 đồng/kg – 180.000 đồng/kg.
Ở xã Trà Cổ, ông Lương Văn Thạch là người đầu tiên nuôi tôm càng xanh và ông cũng là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình nuôi theo chuẩn VietGap. Ông Thạch cho rằng, nguồn nước nuôi tôm ở Trà Cổ là từ các dòng suối đổ ra nên chất lượng tốt.
Trà Cổ là vùng miền núi, thời tiết lạnh, thích hợp với tôm càng xanh. Dân trong vùng chủ yếu cho tôm ăn thức ăn tự nhiên (hạt ngô trộn với cá nhỏ). Đây là những yếu tố giúp tôm càng xanh Trà Cổ phát triển nhanh, ít mắc bệnh, thịt chắc. Khi nuôi theo quy trình VietGap, chất lượng tôm càng xanh Trà Cổ càng được nâng lên.
Ông Thạch chia sẻ: “Tôi biết nuôi tôm VietGap là hướng đi tốt, mở ra những cơ hội cho nông dân. Song hiện nay người nuôi tôm nuôi theo quy trình sạch không có đầu ra ổn định. Cả xã Trà Cổ chỉ có 3 thương lái mua tôm càng xanh, đến mùa thu hoạch, thương lái mua giá như nhau, chúng tôi không bán cho họ thì bán cho ai? Đa số người nuôi tôm VietGap ở đây đang rất nản, nếu không cải thiện được giá bán, nông dân sẽ chuyển qua cách nuôi truyền thống”.
Theo ông Nguyễn Chí Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cổ, những năm qua, người nuôi tôm càng xanh ở xã Trà Cổ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời và từ các con suối. Do thiếu nguồn nước nên nông dân chỉ có thể nuôi tôm vào các tháng mùa mưa, mùa khô ao trơ đáy.
Năm 2017, có doanh nghiệp đến tìm hiểu, đặt vấn đề bao tiêu tôm VietGap cho nông dân với giá cao, nhưng họ đòi hỏi nguồn cung ổn định. Tuy nhiên, ở Trà Cổ, hàng năm nông dân chỉ nuôi được tôm từ tháng 6 đến tháng 11, còn lại bỏ trống ao. Vì thiếu số lượng tôm cung cấp đều trong cả năm nên việc liên kết với doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Ông Bình cho biết: “Trà Cổ được thiên nhiên ưu đãi nên thuận lợi trong nuôi tôm càng xanh, để giúp nông dân mở rộng diện tích nuôi, tạo đầu ra ổn định cho tôm VietGap, chính quyền xã đang nghiên cứu, kiến nghị cấp trên cho xây dựng một tuyến kênh mương nổi, lấy nước từ đập Đồng Hiệp (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) lên cung cấp cho các ao tôm”.
Theo ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, xã Trà Cổ là vùng nuôi tôm càng xanh tập trung lớn nhất tại Đồng Nai. Trên địa bàn tỉnh có nhiều sông suối, ao hồ nhưng tôm càng xanh đến mùa sinh sản lại ra vùng nước lợ để đẻ; sau đó mới quay lại vùng nước ngọt sinh sống. Vì đặc điểm này nên đa số diện tích ao hồ, sông trên địa bàn tỉnh không phù hợp nuôi tôm càng xanh.
Ông Hà cho rằng, xã Trà Cổ đã phát triển được hàng chục ha nuôi tôm theo chuẩn VietGap, đây là thành quả lớn, tương lai sẽ mang lại nhiều lợi ích. Phương án xây dựng kênh mương, cung cấp nước để nông dân Trà Cổ nuôi tôm cả năm, phát triển mô hình VietGap là cần thiết./.
Theo Công Phong/ TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã