Thôn Tuấn Dị, xã Trưng Trắc (huyện Văn Lâm) có thể coi là “thủ phủ” sấu của Hưng Yên khi trên địa bàn thôn hiện có trên 2.000 cây sấu đang trong mùa cho thu hoạch. Những ngày này, Tuấn Dị tấp nập thương lái đến thu mua quả sấu để xuất bán ra thị trường, với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Mỗi cây sấu thu được trên 1 tạ quả, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân thôn Tuấn Dị.
Nông dân thôn Tuấn Dị thu hái sấu. Ảnh: BHY.
Những người dân ở thôn Tuấn Dị cho biết, sấu có 2 loại, sấu trắng và sấu tía. Sấu tía quả nhỏ, giòn vỏ, thường cho thu hoạch sớm. Ngược lại, sấu trắng quả to, cùi dày, thường cho thu hoạch muộn.
Xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) cũng có 400 cây sấu đang cho quả, sấu ở đây được người dân trồng trong vườn nhà, trồng hai bên đường đi vừa để lấy bóng mát vừa để lấy quả.
Sấu là cây trồng lâu năm, trồng khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch và có thể khai thác quả trong nhiều năm. Người dân địa phương cho biết chẳng biết cây sấu có tự bao giờ, trong thôn, nhà trồng ít thì cũng có một vài cây vừa để lấy bóng mát vừa để bán quả, nhà trồng nhiều thì có tới hàng chục cây.
Trồng sấu, người dân không mất công chăm bón, vừa có bóng mát vừa mang lại thu nhập tiền triệu cho người dân nơi đây. Hiện nay, sấu Tuấn Dị không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn theo chân thương lái có mặt ở các thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… không chỉ tiêu thụ nội địa, sấu Tuấn Dị đã trở thành món quà quê xuất ngoại sang các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Món sấu dầm được ưa chuộng trong những ngày hè. Ảnh: BHY.
Sấu là loại quả đặc trưng của miền Bắc trong những ngày hè. Loại quả này không chỉ là vị thuốc quý trong Đông y mà còn là thứ gia vị tuyệt vời của ẩm thực. Với vị chua thanh và hương thơm nhẹ, ta có thể chế biến được rất nhiều món ăn thơm ngon từ quả sấu.
Những ngày này, cơ sở chế biến mứt, ô mai Quyến Lưu ở thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu (Thành phố Hưng Yên) đang tất bật chế biến ô mai sấu xào gừng và món sấu dầm. Người phụ trách cạo vỏ sấu, châm bề mặt sấu, người chế biến, đóng gói thành phẩm… Mùi sấu thanh mát, mùi gừng cay nồng… thơm lừng khắp không gian.
Trong hơn 1 tháng mùa sấu, cơ sở chế biến được khoảng 15 tấn thành phẩm ô mai sấu xào gừng và sấu dầm. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu trong nước và được thực khách ưa chuộng vì hương vị thơm ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Với gần 20 năm kinh nghiệm chế biến ô mai sấu và sấu dầm, ông Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở mứt, ô mai Quyến Lưu cho biết: “Làm ô mai sấu xào gừng và sấu dầm có 4 bước chính: Sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp, chế biến tùy theo từng loại và đóng hộp. Quan trọng nhất là tẩm ướp và chế biến, phải cân đối đủ tỷ lệ đường – nước – sấu. Việc này phải do những người có kinh nghiệm trong gia đình tôi trực tiếp làm”.
Không chỉ làm được những món ăn vặt “khoái khẩu”, với vị thơm và chua đặc biệt, quả sấu còn được biến tấu thành rất nhiều món ăn ngon trong bữa cơm gia đình. Do có vị chua mát nên sấu được “ưu ái” trong việc chế biến ra nhiều món ăn, khi thì dùng để nấu canh chua thịt nạc, canh sườn; khi thì dùng để nấu canh cá, canh hến hoặc hấp dẫn hơn là món vịt om sấu, hay chỉ đơn giản là món rau muống luộc cùng vài quả sấu thanh mát ngày hè…
Theo Khánh Nguyễn/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã