Là một người tiêu dùng, chúng ta có nhu cầu và yêu cầu được ăn những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng thực tế những năm qua, nhu cầu tối thiểu ấy đã không được đáp ứng. Khi nói về vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói rằng, thực ra, người chăn nuôi không muốn nuôi heo bằng chất cấm nếu thương lái không yêu cầu. Họ là bên sản xuất nên phải làm theo yêu cầu của bên thương mại (các thương lái). Còn thương lái lại muốn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (thích ăn thịt nạc, thịt ít mỡ). Cuối cùng, chuyện người chăn nuôi sử dụng chất cấm được quy về cho người tiêu dùng.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ Ảnh: CTV
Người tiêu dùng lại “chuyển” trách nhiệm cho cơ quan quản lý. Và như thường lệ, ngay sau đó, cơ quan quản lý lại có công văn yêu cầu các đơn vị siết chặt quản lý giết mổ, kiểm dịch sản phẩm. Không chỉ Hà Nội mà tại TP Hồ Chí Minh đều có cùng một vấn đề và cách xử lý tương tự.
Khác với những năm trước, gần đây, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách chi tiết về nguồn gốc thịt từ thành phố đi các tỉnh cũng như danh tính chủ lô hàng cùng số lượng xuất đi và có địa điểm đến rõ ràng. Theo Chi cục, đây là cách để tăng cường quản lý các sản phẩm động vật đã qua giết mổ trên đại bàn.
Công bố danh tính cũng là cách mà TP Hồ Chí Minh đang hướng đến việc minh bạch thông tin sản phẩm, và chứng minh cho người dân đây là sản phẩm an toàn. Xa hơn, thành phố đang ứng dụng quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại. Có thể nói, so với nhiều địa phương trong cả nước, TP Hồ Chí Minh luôn có những bước đi tiên phong trong việc kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm. Quay lại chuyện mấy năm trước, địa phương này cũng đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT cho dùng kít - dụng cụ có thể định tính được các chất có trong thực phẩm bán tại các chợ, cửa hàng để đảm bảo những sản phẩm này đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thế nhưng, Bộ NN&PTNT đã không đồng ý vì cho rằng, việc định tính và thu giữ sản phẩm là chưa đúng theo quy định hiện hành. Vì thế, ý tưởng này của TP Hồ Chí Minh không thể thực hiện. Tuy nhiên, những người làm quản lý ở đây đã tiếp tục đưa ra ý tưởng mới. Đó là truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng lỗ hổng trong quản lý giết mổ, kiểm tra nguồn gốc thịt heo lâu nay là do phân cấp. Mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một công đoạn và thiếu kết nối thông tin với nhau, do vậy, dù một ký thịt heo được nhiều cơ quan quản lý vẫn không thể truy xuất được nguồn gốc.
Vì thế, ý tưởng dùng công nghệ thông tin thông qua chiếc điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo nhận được sự ủng hộ lãnh đạo thành phố. Cái hay của ý tưởng này là ngoài biết được sản phẩm sản xuất ở đâu, nuôi như thế nào, còn cung cấp cho người tiêu dùng bản đồ những địa điểm tham gia chương trình để có thể mua hàng.
Không chỉ vậy, TP Hồ Chí Minh còn quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Mục đích là đưa những cơ sở giết mổ xa khu dân cư, vào những địa điểm mà cơ quan quản lý như Chi cục Thú y có thể thanh, kiểm tra dễ dàng, thay vì để cơ sở giết mổ này đóng tại các quận, huyện như lâu nay.
Tuy nhiên, vẫn cần sự phối hợp của người tiêu dùng, họ phải thay đổi thói quen ăn uống của mình. Để áp lực nuôi heo nạc không đặt vào vai người chăn nuôi, tạo điều kiện dễ dàng cho lực lượng quản lý vốn rất mỏng như hiện nay. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra, chả nhẽ ngoài cách bắt người tiêu dùng “chấp nhận” thì ngành chăn nuôi Việt Nam không có thêm sự lựa chọn nào khác. Liệu có thể có được giống heo hướng nạc hay không?
Dù còn phải chờ thời gian để kiểm định tính đúng đắn của ý tưởng trên, thế nhưng người tiêu dùng vẫn nhận thấy những nỗ lực mà cơ quan quản lý đang làm, thay vì, cứ sau một thời gian lại ra một chỉ thị, thông báo, công văn… cần tăng cường kiểm tra, quản lý các sản phẩm giết mổ như cách mà nhiều địa phương đang làm hiện nay.
>> Ý tưởng dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm giết mổ đang được kỳ vọng giúp các nhà quản lý giải được bài toán nan giải bấy lâu nay của ngành chăn nuôi. Thế nhưng, cách này có thành công hay không, rất khó để có câu trả lời cụ thể vào lúc này!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã