Cách làm hay
Từ năm 2011 đến nay, các hội viên nông dân trong xã Hợp Hòa đã thành lập được 9 tổ hợp tác chăn nuôi lợn với hơn 250 thành viên tham gia. Các tổ hợp tác do Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) huyện Sơn Dương triển khai tại xã. Mỗi tháng, các tổ hợp tác tổ chức sinh hoạt 1 lần để các thành viên được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang sản xuất có quy mô lớn, bảo đảm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của địa phương.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của ông Bùi Văn Thơm, Chi hội nông dân thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. |
Ông Vương Đình Chiều, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi thôn Cầu Đá cho biết, tổ có 17 hội viên cùng chung sở thích chăn nuôi lợn. Từ khi tham gia tổ hợp tác chăn nuôi lợn theo dự án, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn, tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giúp cho đàn lợn phát triển tốt không bị mắc dịch bệnh.
Đặc biệt, tham gia tổ hợp tác còn tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Sau hơn 4 năm tham gia tổ hợp tác chăn nuôi lợn, mô hình chăn nuôi lợn của các thành viên trong tổ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, quy mô chăn nuôi lợn của mỗi hộ hội viên nuôi từ 80 - 200 con lợn/năm, bán ra thị trường được 4 - 5 lứa lợn với mức thu nhập từ 100 - 350 triệu đồng/năm. Các hộ hội viên tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Triệu Văn An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Hòa phấn khởi nói, nhờ sự cần cù, chịu khó, bám đất làm giàu, đời sống người nông dân trong xã đang từng ngày được nâng cao. Toàn xã có 864 hội viên nông dân sinh hoạt tại 12 chi hội, chỉ còn 15 hội viên nghèo. Toàn hội có 634 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 6 mô hình cấp tỉnh, 40 mô hình cấp huyện còn lại là mô hình cấp cơ sở.
Những nông dân làm giàu
Chi hội Nông dân thôn Tân Trào là một trong những chi hội có nhiều hội viên phát triển kinh tế giỏi. Trong ngôi nhà xây 2 tầng, khang trang sạch đẹp, với đầy đủ tiện nghi, ông Bùi Văn Thơm nói với chúng tôi, sau nhiều lần đi tham quan các mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế ở các xã trong vùng, ông nhận thấy ở thôn rất thuận lợi cho việc chăn nuôi, nhất là nuôi lợn thịt. Vì vậy, năm 2012, ông đã bàn với vợ con đầu tư hơn 10 triệu mua 1 con lợn nái của Công ty chăn nuôi Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt.
Gia đình chị Hoàng Thị Gái, thôn Đồng Giang, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) nuôi gần 1.000 con vịt siêu trứng. |
Nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, ti vi, tham gia tập huấn các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn do Hội Nông dân xã tổ chức nên lợn nhà ông phát triển tốt, lứa đầu con nái đẻ được 10 con, ông để lại gây đàn nuôi lợn thịt. Nhận thấy con lợn có hiệu quả cao, năm 2014, ông đầu tư xây 13 ô chuồng nuôi lợn thịt và 16 ô chuồng nuôi lợn nái với diện tích gần 300 m2, tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Hiện nay, trong chuồng lúc nào cũng có từ 100 - 120 con lợn thịt, 16 con lợn nái, mỗi năm ông bán 10 tấn cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Ngoài ra ông còn cấy hơn 1 mẫu ruộng, đào ao thả cá...
Năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, chị Nguyễn Thị Thắm, Chi hội Nông dân thôn Tân Trào mạnh dạn vay ngân hàng hơn 150 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, chăn nuôi lợn và cá. Đến nay, chị Thắm đã có mô hình kinh tế VACR gồm 60 con lợn thịt, 20 con lợn nái, gần 1.000 con vịt siêu thịt, 8 ha ao thả cá, trồng 1 ha rừng bạch đàn. Mô hình trang trại của chị mỗi năm có thu nhập trên 600 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Gái, Chi hội Nông dân thôn Đồng Giang đầu tư chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu thực tế, chị nhận thấy việc nuôi vịt siêu trứng không đòi hỏi nhân lực, vốn đầu tư không cao, nguồn thu ổn định. Vì vậy, năm 2013, tận dụng nguồn nước suối gần nhà, chị đầu tư 100 triệu đồng mua 1.000 con vịt giống về nuôi. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi gia cầm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn vịt của chị phát triển tốt. Sau 6 tháng vịt bắt đầu đẻ trứng và cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày chị thu 800 quả trứng bán cho các thương lái trên địa bàn với giá mỗi quả từ 2.000 - 2.500 đồng. Có tiền chị đầu tư mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn. Mỗi năm gia đình chị có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Mỗi người có hướng đi riêng trong phát triển kinh tế nhưng ở họ đều có điểm chung là tinh thần quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã