Tham dự hội nghị, tôi đặc biệt quan tâm đề tài nghiên cứu về khả năng phát triển 1.000ha nông lâm nghiệp cho hai vùng Nijmegen và Arnhem của Hà Lan, gợi nhiều suy nghĩ về nông lâm nghiệp Việt Nam.
Chính nhờ nghiên cứu này mà tôi hiểu hơn về cái gọi là “màu xanh sa mạc” ở Hà Lan, điều tôi chưa biết đến khi thời gian trước đây cứ phải xuýt xoa trước những cánh đồng cỏ, bắp, lúa mì xanh mướt và xa hút tầm nhìn.
Ở một trang trại chúng tôi đến thăm, thật vui khi thấy người ta chừa 6 – 7ha cập một nhánh của dòng sông Rhine thơ mộng chỉ để chim về làm tổ. Theo lời người chủ, từ hơn ba năm nay họ đã có khoảng 60 loài chim về sinh sống ở đây, tôi bất giác nghĩ về rừng U Minh, Tràm Chim và vườn cò Thốt Nốt. Ở một trại khác, người ta trồng hơn 3ha rừng, trồng rau, nuôi gà, heo. Cách hôm nhóm tôi tới thăm nghe đâu cáo vô trại cắn cổ gần 20 con gà (trong tổng số 40). Rồi một cô từng trồng hoa ở Uganda cả chục năm hơn, giờ về xứ làm nông lâm nghiệp. Hay một bà cô tóc bạc như mây, nghỉ hưu được chính quyền giao chuyển đổi vài ha đất trồng cỏ nuôi bò trước đây, sang trang trại rừng.
Điều tôi nhận thấy với tất cả những người đã phỏng vấn, nông-lâm nghiệp là mô hình khá mới mẻ, vì trang trại rừng lâu nhứt cũng chỉ mới được khoảng chín năm. Họ vẫn còn một chút lúng túng trong việc trồng cây gì, nuôi con gì và như thế nào. Cũng dễ hiểu thôi, Hà Lan đã độc canh và dẫn đầu về năng suất nông nghiệp từ sau trận đói lịch sử hồi Thế chiến thứ 2. Hơn 70 năm rồi còn gì, có lẽ quá lâu để có thể nhớ và hình dung người Hà Lan xưa từng sống dựa vào nông-lâm nghiệp. Có lẽ cũng quá lâu để nhận ra rằng, họ thiếu những con bò thong thả gặm cỏ trên đồng, những con gà loanh quanh trong sân, hay cái thú hái nấm trong rừng vào mùa hè, lượm quả óc chó, quả phỉ vào cuối thu. Những con ong đã thôi không đến, chim chóc đã ngừng hót trên lưng bò ở những cánh đồng xanh mướt đó.
Tôi có một phát hiện thú vị, ở Hà Lan có một đảng gọi là đảng Động vật (Animal Party). Đảng này chiếm năm ghế ở Quốc hội, hai ghế ở thượng nghị viện và một trong tổng số 26 ghế của Hà Lan tại nghị viện của Cộng đồng chung châu Âu. Đảng này, chuyên đấu tranh cho quyền và an sinh động vật, tự nhiên và môi trường. Tôi tự hỏi không biết việc quan tâm cái gọi là nông nghiệp bền vững nói chung, và trang trại rừng nói riêng, gần đây của Hà Lan liệu có xuất phát từ sự kêu gọi của đảng này?
Trở lại với mối bận tâm trang trại rừng nói ở trên, trong ngày báo cáo kết quả nghiên cứu, tôi nói với hội đồng là họ nên sang Việt Nam, vì ở xứ chúng tôi cái mà họ gọi là nông-lâm nghiệp không chỉ là một mô hình nông nghiệp, đó là sinh kế truyền thống và văn hoá lâu đời. Họ kêu tôi cho ví dụ. Tôi kể về cái thời ăn ong ở rừng U Minh, cá tôm rừng đước (dĩ nhiên là giấu nhẹm vụ săn cá sấu và ăn thịt rùa). Gần gũi hơn là dân miền Tây ăn gần như bất cứ thứ gì mọc lên từ những vườn cây ăn trái (tôi tính luôn vườn dừa ở quê). Nhà nào cũng có bầy gà, đàn vịt hoặc vài con heo. Tôi cũng kể chuyện bãi nghêu Thạnh Phú, chuyện cô sơn nữ Amuikeo với rau rừng, thảo dược, mấy món đậu đỗ bản địa và vải sợi tự nhiên, chuyện lợn cắp nách hay những rừng đào vùng Tây Bắc. Tôi biết rằng vài, hoặc nhiều trong số những chuyện này đang dần trở thành ký ức. Tôi mới ngoài 40, những điều bình dị này với tôi như chỉ mới hôm qua, nhưng với con gái tôi và chúng bạn, đã là cổ tích.
Tuần rồi cô bạn nhỏ ở Sài Gòn kể tôi nghe bánh tét nhân chuối của người Thái có bao bì rất đẹp. Tôi chợt nhớ cách đây không lâu cũng có bài nói về phở của người Thái trên đất Mỹ. Tôi giận lắm, đây là tinh hoa miền Tây sông nước của tôi, là tinh hoa của Hà Nội với nghìn năm văn hiến! Tôi không biết các nghệ nhân Việt có thấy giận giống như tôi?
Trang trại rừng, đặc sản vùng miền nghe chừng không ăn nhập gì với nhau, nhưng thật ra có liên quan nếu đặt tất cả vào chuỗi giá trị sản phẩm bản địa. Tôi có một giấc mơ khác, nghiên cứu và phát triển chuỗi này một cách bài bản, chắc chắn rằng câu chuyện kể với các thế hệ người Việt tiếp theo, với du khách đến Việt Nam và với bạn bè quốc tế, sẽ hay nhứt trong số những câu chuyện tương tự mà họ
đã từng nghe.
Nếu người Hà Lan mà được nghe rằng nhiều bạn trẻ sinh viên ngành dược là người vùng cao biên giới phía Bắc, nhiều bạn lặn lội đi tìm thảo dược trong rừng về cùng nhau làm thí nghiệm, để chế biến ra các sản phẩm trị bệnh đầy tính năng… Cũng như nhiều bạn trẻ khác lên Tây Nguyên trồng tiêu đen, làm tiêu ngũ sắc, quyết làm sống lại những đồi rừng có giá trị rất cao, để mang lại những món quà quý chăm lo cho sức khoẻ, hay làm vang danh ẩm thực Việt Nam trên thế giới. Tôi tin, những kết quả nghiên cứu từ châu Âu có thể áp dụng tốt ở Việt Nam, và sẽ làm nức lòng các bạn trẻ đam mê kinh doanh từ tài nguyên bản địa…
Kim Thanh (theo TGTT)
Nguồn: http://thegioihoinhap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã