Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện các tỉnh phía Bắc có khoảng 845.434 ha lúa, các trà lúa mùa đang sinh trưởng và phát triển tốt, độ đồng đều cao, đang ở giai đoạn phân hóa đòng – trỗ bông và phơi màu.
Theo số liệu báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh phía Bắc, toàn vùng hiện có khoảng 180.000 ha lúa đã trỗ (chiếm 21% diện tích), các diện tích còn lại cũng đang chuẩn bị trỗ.
Hiện nay trưởng thành sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng với mật độ ổ trứng phổ biến 0,01 - 0,02 ổ/m2, nơi cao 0,3 - 0,5 ổ/m2, cục bộ có nơi 1 - 3 ổ/m2 (Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Kạn...).
Diện tích nhiễm trứng sâu đục thân 2 chấm tính đến ngày 31/8/2021 là 32.453 ha (cao hơn 31.930 ha so với kỳ trước, cao hơn 32.093 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó diện tích nhiễm nặng 1.100 ha, nếu không phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Dự báo thời gian tới, trưởng thành sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa rộ và đẻ trứng. Sâu non gây bông bạc trên những diện tích lúa trỗ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (xung quanh 2/9), mức độ gây hại có khả năng cao hơn nhiều so với năm trước. Các tỉnh hiện có mật độ ổ trứng cao như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ... sẽ bị hại nặng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do đợt sâu đục thân 2 chấm gây ra, Cục BVTV yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phía Bắc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, xác định thời điểm trỗ, mật độ trứng sâu đục thân 2 chấm và lựa chọn loại thuốc phun, thời điểm phun thuốc đạt hiệu quả tốt nhất.
- Tổ chức phun trừ sâu đục thân 2 chấm khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1 - 5% số bông) cho những diện tích có mật độ ổ trứng ≥ 0, 2 ổ/m2, những nơi có mật độ ổ trứng ≥ 1 ổ/m2 cần tiến hành phun 2 lần (lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày bằng thuốc đặc trị).
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh, phải theo nguyên tắc "4 đúng", không lạm dụng BVTV làm tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm môi trường; khi lúa đang phơi màu trỗ bông chỉ được phun vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát, nếu mật độ ổ trứng quá cao nên ngắt ổ trứng trước khi phun.
- Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, chỉ đạo và định hướng các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV đảm bảo đầy đủ vật tư nông nghiệp, cung ứng đúng loại thuốc và đúng đối tượng theo khuyến cáo của cơ quan BVTV tại địa phương. Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV.
Ngoài sâu đục thân 2 chấm, trên lúa mùa 2021 còn có các đối tượng như bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu cuối vụ cũng đang phát sinh, phát triển và gây hại mạnh. Các địa phương cần đôn đốc nông dân thăm đồng thường xuyên và chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả.
Theo Cục BVTV, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên không thể trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc từng địa phương được. Tuy nhiên, Cục thường xuyên thông tin liên lạc, nắm tình hình và chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh trọng điểm tổ chức điều tra phát hiện, báo cáo tình hình và chỉ đạo phòng chống kịp thời. Hiện nay các địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng chống.
UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản gửi các địa phương và sở, ngành liên quan về việc tập trung phòng trừ sâu đục thân 2 chấm bảo vệ lúa mùa 2021.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nam Định, dự kiến lúa mùa toàn tỉnh trỗ bông tập trung từ ngày 05 - 15/9. Tuy nhiên, trên trà lúa trỗ bông sớm (trước ngày 05/9), sâu đục thân 2 chấm đang phát sinh với mật độ rất cao, gấp 3 - 5 lần so với trung bình nhiều năm.
Nếu không tổ chức phòng trừ kịp thời, sâu đục thân có nguy cơ gây hại làm giảm năng suất nghiêm trọng, nhất là những khu ruộng ven làng, ven sông, gần nguồn chiếu sáng, gần khu ruộng bỏ hoang... ở tất cả các huyện trong tỉnh. Sâu tập trung gây hại nặng cho trà lúa trỗ bông trước ngày 05/9 và trà lúa trỗ bông sau ngày 15/9 (trà mùa trung trỗ muộn), nhất là trà lúa đặc sản trỗ bông trong tháng 10.
Tỉnh ủy Thái Bình cũng đã có công điện chỉ đạo phòng, trừ sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu, bệnh hại khác trên lúa mùa 2021.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể... trong tỉnh xác định rõ sản xuất lúa vụ mùa và kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm vai trò "bệ đỡ" của nền kinh tế trong bối cảnh các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chỉ đạo Sở NN-PTNT huy động tối đa lực lượng cán bộ kỹ thuật cho các huyện, thành phố, tiếp tục bám sát đồng ruộng để chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu, bệnh hại khác, bảo đảm không bỏ sót đối tượng dịch hại nhưng phải bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng...
Đồng chí Bí thư huyện ủy, thành ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chất lượng, hiệu quả công tác phòng, trừ sâu bệnh hại lúa, bảo đảm an toàn luật vụ mùa năm 2021 ở địa phương được giao quản lý...
Tại Hải Dương, UBND tỉnh này đã có công văn yêu cầu UBND các cấp và ngành chuyên môn bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh, hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng cách, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt diễn biến của sâu bệnh trên từng trà lúa, giống lúa. Hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh bảo đảm "đúng trà, đúng giống, đúng diện tích, đúng thời điểm, đúng thuốc", tránh phun tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực thăm đồng, theo dõi và kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại...
Cùng đó, yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV hỗ trợ cơ quan chuyên môn cấp huyện theo dõi sâu bệnh, hướng dẫn phòng trừ theo từng thời điểm để các địa phương làm căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phòng trừ hiệu quả...
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng - đòng già, dự kiến trỗ tập trung từ 5 - 15/9; còn lại khoảng 8% lúa mùa muộn (chủ yếu là nếp) đang đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh.
Dự kiến khoảng 70% diện tích lúa trỗ từ ngày 5 - 15/9 có nguy cơ bị sâu cuốn lá và sâu đục thân 2 chấm gây hại, ảnh hưởng đến năng suất nếu không phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cũng xuất hiện rải rác từng ổ trên các giống lúa ở các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ... Đây là bệnh có mức thiệt hại lớn, lây lan nhanh, khó phòng trừ.
Trung Quân/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã