Sáng 12/6, tại hội thảo đánh giá chuẩn nghèo giai đoạn cũ và đề xuất xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới (do Bộ LĐTBXH tổ chức), nhiều ý kiến cho rằng cần tăng chuẩn nghèo thu nhập, mở rộng các chiều tiếp cận.
Giảm nghèo chưa bao trùm quyền cơ bản
Sau 27 năm thực hiện giảm nghèo, Việt Nam cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu trong việc xóa đói, giảm nghèo. Cách tiếp cận về giảm nghèo của Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Năm 1993 Việt Nam thực hiện chính sách giảm nghèo trợ cấp, cho không, tới năm 2000 là chính sách giảm nghèo theo thu nhập; từ năm 2015 Việt Nam chuyển sang giảm nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo qua các giai đoạn giảm liên tục, từ chỗ có 80% hộ nghèo đói năm 1993, đến nay còn 8% (năm 2019).
Theo ông Nguyễn Tấn Nhựt - Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH), mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản, nhưng công tác giảm nghèo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại. Giảm nghèo chưa bao trùm quyền cơ bản của con người (tiếp cận y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, nhà ở, thông tin), chưa tính tới vấn đề việc làm và bảo hiểm xã hội.
"Cách tiếp cận cũ không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Chiều giảm nghèo theo thu nhập không còn phù hợp vì không tiệm cận được với chỉ số giá tiêu dùng của việt Nam" - ông Nhựt nói.
Chương trình giảm nghèo đa chiều của Việt Nam đang tiệm cận xu hướng giảm nghèo toàn diện trên toàn thế giới. Hiện có 50 quốc gia cũng đang tiến hành giảm nghèo theo cách này. Song thực tế, cách tiếp cận dựa trên 2 nhóm đối tượng là nghèo thu nhập, nghèo đa chiều khiến cho hoạt động giảm nghèo chưa thống nhất. Có tình trạng địa phương đưa toàn bộ đối tượng nghèo sang đối tượng nghèo đa chiều để được hưởng chính sách nhận BHYT. Điều này làm sai bản chất của hoạt động giảm nghèo.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ LĐTBXH cơ bản nhất trí với các ý kiến cho rằng "chiều thu nhập" là cực kì quan trọng. Bộ cũng đồng ý đưa "chiều việc làm" vào thiết kế chính sách giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn mới...
Thêm vào đó, quá trình tổng kết chương trình giảm nghèo từ các địa phương cũng cho thấy nhận thức về công tác giảm nghèo, rà soát hộ nghèo còn nhiều vấn đề.
Ông Nhựt cho biết, nhiều địa phương, cán bộ phường xã hiểu sai về tiêu chí đánh giá hộ nghèo.
"Nhiều người đi rà soát hộ nghèo thấy nhà người ta có chiếc xe, hay cái tivi to thì loại ngay khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng thực tế, tivi hay xe đó chỉ là phương tiện để cập nhật tin tức (giảm nghèo tin tức), hay để di chuyển giúp tiêu thụ nông sản (giúp giảm nghèo thu nhập), chăm sóc sức khỏe... là kênh để tiếp cận giúp thoát nghèo, chứ không phải có những thứ đó là không còn nghèo. Điều này dẫn tới có một bộ phận người dân giấu thu nhập, giấu tài sản" - ông Nhựt nói.
Trong quá trình giảm nghèo còn phát hiện một số bất cập, ví dụ như cấp tỉnh, cấp huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, các phường. Từ đó, một số địa phương có sự nóng vội trong thực hiện, dẫn tới kết quả không chuẩn. Ngay các thôn trong cùng một xã cũng có sự khác biệt trong việc rà soát, đánh giá hộ nghèo.
Thực tế, có xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, để đạt được tiêu chí giảm nghèo đã cho hơn 400 hộ nghèo thoát nghèo chỉ trong một năm. Điều này có thể làm cho chương trình giảm nghèo thiếu bền vững.
Bổ sung tiêu chí "việc làm"
Bộ LĐTBXH đang hoàn thiện dự thảo, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.
Một trong những nội dung mới, căn bản nhất chính là điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều trong tiêu chí thu nhập. Thay vì chuẩn nghèo tính theo thu nhập cũ, giờ đây thu nhập sẽ được đề xuất nâng lên dựa trên mức chuẩn tối thiểu mới. Bộ LĐTBXH đề xuất mức tiêu chí thu nhập theo tháng ở thành thị là 2.000.000 đồng/người, ở nông thôn là 1.500.000 đồng/người.
Hộ nghèo là hộ có mức thu nhập dưới mức chuẩn nghèo thu nhập và thiếu hụt từ 3 tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là hộ có mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo thu nhập và có sự thiếu hụt từ 3 tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản trở xuống.
Ngoài tiêu chí thu nhập, tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (y tế; giáo dục; nước sạch và vệ sinh; nhà ở; thông tin) để đo lường, chuẩn nghèo giai đoạn mới cũng đề nghị bổ sung thêm tiêu chí việc làm vào dịch vụ xã hội cơ bản.
Ngoài ra còn bổ sung thêm 12 chỉ số cụ thể trong dịch vụ xã hội cơ bản: Dinh dưỡng; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tiếp cận việc làm; chỉ số người phụ thuộc trong hộ gia đình...
Ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Kon Tum khá đồng tình với dự thảo chuẩn nghèo áp dụng giai đoạn mới. Tuy nhiên ông Thuận cũng lấy làm lo lắng và cho rằng nếu nâng mức thu nhập làm căn cứ tính chuẩn nghèo từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng với khu vực nông thôn và thành thị thì sẽ khó khăn cho quá trình giảm nghèo. Thực tế, ở khu vực khó khăn, mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng là mức cao.
"Nếu áp chuẩn này thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo, ngân sách hỗ trợ có thể không đáp ứng được. Có thể xem xét giảm mức này xuống được không?" - ông Thuận nói.
Cần bổ sung tiêu chí việc làm, vì việc làm là chiều căn bản, quan trọng nhất góp phần giảm nghèo. Có công việc ổn định, thu nhập tốt thì các vấn đề giảm nghèo theo các chiều khác sẽ đơn giản hơn".
Ông Nguyễn Thanh thủy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH hòa Bình
Theo thống kê, hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Kon Tum còn khoảng 13%, cận nghèo là 8%. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo còn khoảng 6 triệu hộ. Nếu giờ áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới, số lượng hộ nghèo có thể tăng lên cao.
Ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hòa Bình thì cho biết, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 11,36% (21.000 hộ), cận nghèo hơn 20%, cao hơn mặt bằng chung của vùng miền núi phía Bắc cũng như cả nước.
"Giai đoạn trước đây chính sách nghèo liên quan đến nguồn lực. Ví dụ có dịp chúng tôi đề xuất hỗ trợ ăn tết cho bà con, mức 300.000 đồng/hộ, tính ra cả tỉnh khoảng hơn 10 tỷ đồng. Nhưng khi trình lên thì bị gạt đi chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo chứ không tính đến nghèo đa chiều vì nguồn lực của tỉnh hạn chế. Do đó không thể tránh được có hộ bị thiệt thòi" - ông Thủy nói.
Ông Thủy cũng cho rằng đặt ra mức chuẩn sống tối thiểu để đánh giá mức sống của con người, nhưng ở nhiều nơi, với mức chuẩn như vậy người nghèo cũng không thể đảm bảo tiêu dùng. Mặt khác, nhìn nhận cái nghèo phải khác, trước đây chỉ cơm ăn áo mặc, nhưng bây giờ phải nâng cao cả về vật chất lẫn đời sống văn hoá, tinh thần; không chỉ đó đếm đất đai, tài sản, nhà ở - đó phải là sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ chính quyền địa phương.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ LĐTBXH cơ bản nhất trí với các ý kiến cho rằng "chiều thu nhập" là cực kỳ quan trọng. Bộ cũng đồng ý đưa "chiều việc làm" vào thiết kế chính sách giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn mới...
"Việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới sẽ tính toán theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công và khắc phục hạn chế của giảm nghèo giai đoạn cũ. Mục tiêu là hướng tới hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo. Từ đó giúp người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu" - Thứ trưởng Thanh khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã