Ngành gỗ gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu |
Nhiều rủi ro trong xuất nhập khẩu gỗ
Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đã gia nhập vào câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2005 và đã đạt giá trị xuất khẩu trên 11 tỷ USD vào năm 2019.
Đến nay, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, tuy nhiên trị giá xuất khẩu lâm sản thực hiện 6 tháng đầu năm nay ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm nay, trị giá xuất khẩu sẽ đạt 11,75 - 12 tỷ USD.
Với việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu có những điều kiện thuận lợi nhất định nhưng cũng chịu ảnh hưởng, tác động nhiều mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là khó khăn trong đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho ngành chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp.
Tại khoá tập huấn diễn ra tuần trước về thương mại gỗ hợp pháp và nhận dạng gỗ cho cán bộ Hải quan và Kiểm lâm khu vực duyên hải miền Trung, ông Nguyễn Thế Cường, đại diện tổ chức TRAFFIC nêu ra một số khó khăn như thông tin về các quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, khai thác, chế biến và thương mại gỗ tại một số quốc gia còn hạn chế. Chính sách quản lý tài nguyên của nhiều quốc gia cũng có nhiều bất cập, không đồng nhất, thậm chí xung đột lẫn nhau. Quản trị rừng tại nhiều quốc gia vẫn còn ở mức thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro với nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) và xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), do vậy việc kiểm soát nguồn gốc gỗ là một yêu cầu rất quan trọng.
Ông Ngô Minh Hải, nguyên phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải Quan) chia sẻ, hiện nay có nhiều rủi ro trong quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu, trong đó có mặt hàng gỗ và đồ gỗ.
“Trong khi đó, lực lượng hải quan không được đào tạo bài bản về lâm nghiệp cũng như nhận dạng gỗ, đây là một trong những khó khăn lớn đối với lực lượng này”, ông Hải nói.
Đảm bảo gỗ hợp pháp, nâng thị phần
Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ, mục tiêu tổng quát toàn ngành đặt ra trong thời gian tới là phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Mục tiêu cụ thể, phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu. Về trị giá xuất khẩu, nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó để giúp gỗ Việt thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường có yêu cầu cao như Mỹ, EU... phải đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng. Điều này được triển khai thông qua trồng rừng thâm canh; nghiên cứu, lai tạo giống; liên doanh liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp chế biến; hình thành chợ gỗ…
Bên cạnh đó, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; hoàn thiện văn bản quy phậm pháp luật; thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT…
Ở góc độ phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, giải pháp đề ra là chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, hạn chế rào cản kỹ thuật; đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về thương mại.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới, tiềm năng; hỗ trợ hình thành mạng lưới bán hàng, giới thiệu sản phẩm…
Đỗ Hương/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã