Nuôi thỏ New Zealand hướng tới xuất khẩu
Mô hình nuôi thỏ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Hữu Thành phát triển lên từ dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thỏ New Zealand theo chuỗi giá trị tại huyện Thiệu Hóa".
Dự án nuôi thỏ New Zealand là tiền đề phát triển nghề nuôi thỏ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, nuôi thỏ New Zealand sẽ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và đem lại hiệu quả kinh tế. Việc phát triển sản xuất giống thỏ có chất lượng tốt mở ra triển vọng xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bà Hoàng Thị Phúc-Phó Trưởng phòng NN PTNT huyện Thiệu Hóa cho biết: "Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thỏ New Zealand theo chuỗi giá trị tại huyện Thiệu Hóa bước đầu đang có hiệu quả. Dự án góp phần vào đa dạng phong phú đối tượng nuôi, hình thức nuôi, hình thức tổ chức sản xuất mới có giá trị cao và hướng tới xuất khẩu".
Bí quyết nuôi thỏ New Zealand thành công
Với kinh nghiệm 5 năm nuôi thỏ, và hơn 1 năm tham gia dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghiệp, xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thỏ New Zealand theo chuỗi giá trị.
Anh Nguyễn Hữu Thành (sinh năm 1985, thôn 1, xã Tân Châu) chia sẻ: "Để nuôi thỏ thành công, người nuôi phải nắm được đặc điểm sinh học của thỏ, kỹ thuật chọn giống, thiết kế chuồng trại, thức ăn...Hiện tôi đang liên kết với Công ty TNHH một thành viên Hoàng Lan, với giá bán thỏ thương phẩm gần 80.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi năm tôi thu về khoảng 500 triệu đồng".
Thỏ New Zealand có đặc điểm như: Màu lông trắng, mắt hồng, mắn đẻ, sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, khối lượng trưởng thành nặng từ 4,5-5,5 kg. Tuổi động dục lần đầu từ 4-4,5 tháng, tuổi phối giống lần đầu từ 5-5,5 tháng, khối lượng phối giống lần đầu khoảng 3-3,2kg/con, đẻ 6-7 lứa/ năm, mỗi lứa 6-8 con.
Theo anh Nguyễn Hữu Thành, nhiệt độ tối ưu cho thỏ là từ 18oC-28oC. Ngoài khoảng nhiệt độ này thỏ vẫn có thể sống được nhưng tốc độ sinh trưởng, sinh sản sẽ không cao.
Thỏ ăn nhiều về ban đêm và ăn khá ít vào ban ngày. Đây là đặc điểm sinh lý vô cùng quan trọng, người chăn nuôi phải chú ý để có thể bố trí lượng thức ăn hợp lý.
Phải cho thỏ uống nước tự do, thoải mái, đặc biệt là thỏ nái vì nó cần tạo sữa nuôi con. Nếu cho thỏ uống thiếu nước thì rất "nguy hiểm", thỏ thịt thường chậm lớn, thỏ nái thì ăn con, không có sữa cho con bú.
Giống thỏ New Zealand sinh trưởng rất nhanh và đạt được trọng lượng xuất bán chỉ sau 90 ngày tuổi. Khi xuất bán thỏ thường có trọng lượng từ 2-2,5 kg/con. Nếu muốn nuôi làm thỏ giống thì phải tách con đực và con cái riêng mỗi con một chuồng. Tỷ lệ đực cái là 1:4 hoặc 1:5 hoặc 1:6 tùy thuộc vào quy mô của trang trại.
Đặc biệt, thỏ hiếm khi đẻ vào ban ngày và muộn hơn 20 giờ 30 phút. Do đó chỉ cần kiểm tra vào lúc này để nhặt thỏ con ra ngoài ủ ấm. Không nên để thỏ con trong chuồng thỏ mẹ vì thỏ mẹ sẽ đái ỉa vào ổ đẻ làm thỏ con lạnh dễ bị chết.
Khi thỏ mẹ đẻ xong cần cung cấp nước đầy đủ cho thỏ uống vì thỏ mẹ rất háo nước. Thời kì này nước không đầy đủ thì thỏ con sẽ không có đủ sữa bú. Trước khi thỏ đẻ 1 ngày cần tiêm Canxi cho thỏ mẹ để tránh hiện tượng liệt chân ở thỏ mẹ sau khi sinh.
Theo anh Nguyễn Hữu Thành bật mí với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Chọn giống là một khâu vô cùng quan trọng trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi thỏ New Zealand nói riêng. Nếu đàn giống khởi đầu không tốt thỏ chậm lớn, tiêu tốn thức ăn, lợi nhuận sẽ thấp".
Muốn nuôi thỏ có hiệu quả, trước hết phải chọn con thỏ giống tốt từ các cơ sở giống tốt ổn định của tập thể hoặc gia đình. Việc chọn giống phải dựa theo nguyên tắc cơ bản và tiến hành theo các bước sau:
Chọn thỏ đực giống quan trọng nhất là phải đảm bảo chức năng tạo tinh tốt, hiệu quả phối giống phải cao tỷ lệ thụ thai lớn. Con thỏ đực hậu bị có thân hình vạm vỡ; vai thỏ đực giống phải to, thân nở nang, hai tai phải có hình chữ V không được gãy gục. Kiểm tra hai tinh hoàn của thỏ đực phải cân đối không được bên to bên nhỏ hoặc khuyết.
Đối với thỏ cái không có bệnh tật, thân phải thon dài không được quá béo. Những con thỏ cái quá béo thường sinh sản không tốt thậm chí vô sinh. Số lượng vú của thỏ cái phải lớn hơn 8, hai bên phải cân xứng. Nên chọn thỏ cái và thỏ đực giống khác đàn để tránh hiện tượng giao phối cận huyết.
Nguyên tắc thiết kế chuồng trại
Anh Nguyễn Hữu Thành chia sẻ về cách thiết kế chuồng trại như sau: "Khi xây dựng chuồng trại phải đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Có 2 hệ thống trại chính là trại kín và trại hở".
Cách làm mát chuồng trại là vô cùng quan trọng với chăn nuôi nói chung và chăn nuôi thỏ nói riêng. Thỏ chịu được lạnh chứ không chịu được nóng. Nếu chuồng quá nóng thì thỏ sẽ bị cảm nóng, không đậu thai, sinh sản kém. Có rất nhiều cách mát cho chuồng thỏ.
Lồng nuôi thỏ có kích thước chuẩn là 500 mm x 500mm x 500mm tương ứng với rộng dài và cao. Lồng có thể đóng bằng tre, gỗ, hàn bằng sắt hoặc là lồng công nghiệp. Nếu đóng chuồng tre thì các khung của lồng đều phải làm bằng gỗ vuông.
Lồng thỏ sẽ có 2 hệ thống máng ăn tương ứng với 2 loại thức ăn thô xanh (rau, cỏ) và thức ăn tinh. Thông thường người ta thường dùng máng chữ V giúp cho thỏ con cũng có thể lấy được cỏ.
Anh Nguyễn Hữu Thành lưu ý tới người chăn nuôi thỏ về cách phòng và trị bệnh cho thỏ New Zealand cụ thể: "Trong chăn nuôi phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Do đó sát trùng chuồng trại là một công tác phải tiến hành thường xuyên liên tục và nghiêm ngặt. Định kỳ 1 tuần sát trùng chuồng trại ít nhất 1 lần, 1 tháng sát trùng máng ăn máng uống 1 lần".
Trước cửa chuồng nuôi thỏ cần phải có hố sát trùng. Mọi người đều phải bước vào hố sát trùng trước khi vào trại và sau khi ra khỏi trại thỏ. Thông thường, một căn bệnh chỉ xảy ra khi hội đủ 3 yếu tố như: Xuất hiện mầm bệnh; điều kiện vệ sinh môi trường kém; sức đề kháng của gia súc giảm.
Do đó, với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt nguyên tắc "3 sạch": ăn sạch, ở sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Đặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng đàn thỏ thật tốt, có thể bổ sung thuốc trợ sức, trợ lực cho thỏ từ 3-5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress.
Sử dụng vaccine tiêm phòng cho đàn thỏ, dùng thuốc kháng sinh khi thời tiết thay đổi để ngăn chặn sự xuất hiện và phát tán mầm bệnh. Thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Trong những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chất lượng hiệu quả cao. Huyện còn mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác nhằm tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.
https://danviet.vn/thanh-hoa-nuoi-loai-ngay-an-it-toi-an-ro-nhieu-hay-hao-nuoc-8x-thu-500-trieu-nam-202007261644496.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã