Tại "thủ phủ" thanh long tỉnh Bình Thuận, bà con nhà vườn đang thu hoạch những lứa thanh long cuối vụ nghịch (vụ chong đèn) và thanh long đầu vụ mùa (vụ chính).
Theo người trồng thanh long, các lứa thanh long cuối vụ nghịch và đầu vụ mùa dễ phát sinh nhiều dịch hại do mưa nhiều. Việc phòng trừ sâu bệnh cho thanh long vụ này làm chi phí đầu tư tăng cao hơn những lứa thanh long trước.
Các lứa thanh long thời điểm này thu hoạch với sản lượng không nhiều. Thế nhưng, giá thanh long Bình Thuận đang giảm xuống mức rất thấp.
Ông Đinh Văn Mười, người trồng thanh long ở xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, giữa tháng 5, giá thanh long tại vườn loại đẹp ở mức 8.000-10.000 đồng/kg. Đây là mức giá đã giảm mạnh bắt đầu từ cuối tháng 4.
Đến nay, giá thanh long loại đẹp chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, tỷ lệ trái thanh long đẹp không nhiều. Thanh long loại 2 có giá thấp hơn, chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg.
Theo ông Mười, giá thanh long xuống mức thấp như hiện nay, do bị "đụng chợ" với nhiều loại trái cây khác như: vải thiều, mận, chôm chôm, sầu riêng... Quan trọng nhất là dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng đến đầu ra.
Mấy ngày qua, một số vựa thu mua thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã ngừng thu mua.
"Sản lượng thanh long Bình Thuận thời điểm này dù không nhiều, nhưng bí đầu ra ở trong nước lẫn xuất khẩu, nên giá tụt dốc"- ông Mười nói.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi xuất khẩu thành công trái xoài vào Trung Quốc, Campuchia đang nỗ lực để được cấp phép xuất khẩu trực tiếp trái thanh long.
Trước đó, tháng 5/2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia đã khởi động một dự án trồng cây thanh long. Dự án này dành 1.000ha đất để trồng 1 triệu cây thanh long, cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định: Thanh long Campuchia đã chuẩn bị để sẵn sàng tham gia vào thị trường Trung Quốc. Quốc gia này cũng có kế hoạch thành lập một nhà máy chế biến, với mục tiêu xuất khẩu chính là thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Tờ báo Khmer Times (Campuchia) dẫn lời ông Yang Saing Koma, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Campuchia, bày tỏ tin tưởng rằng thanh long Campuchia có thể thu được lợi nhuận đáng kể từ nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc.
Cũng theo Khmer Times, văn hóa dân gian Trung Quốc xem thanh long là loại trái cây mang lại tài lộc. Vì tên gọi, hình dáng và màu sắc sặc sỡ của nó. Nhu cầu thanh long dự kiến sẽ tăng sau dịch Covid-19.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam - cũng cho rằng, ảnh hưởng do dịch Covid-19 có tác động đến việc thu mua thanh long tại thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng trái thanh long của Trung Quốc không hề giảm mà ngày càng tăng. Theo đó, Trung Quốc tăng mua thanh long để đáp ứng nhu cầu thờ cúng và ăn tươi ở nội địa.
Tại Việt Nam, diện tích trồng thanh long khoảng 55.000ha. Trong khi đó diện tích trồng thanh long ở Campuchia chỉ vài ngàn ha. Do đó, nếu được cấp phép, sản lượng thanh long Campuchia xuất khẩu vào Trung Quốc cũng không lớn.
Ông Nguyên đánh giá, trước mắt, thanh long Campuchia khó có chuyện trở thành đối thủ cạnh tranh với thanh long Việt Nam ở thị trường Trung Quốc.
"Kể cả việc Campuchia mở rộng diện tích trồng mới cũng không phải là vấn đề quá đáng ngại. Bởi vì nhu cầu của Trung Quốc vẫn tăng lên" - ông Nguyên nhận định.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến thị trường nói chung, các địa phương trồng thanh long và doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm thêm thị trường.
Công tác này bao gồm cả việc làm mới sản phẩm bằng việc nâng cao và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cho thị trường truyền thống, lẫn thị trường mới. "Bên cạnh đó là tăng cường chế biến, giảm bớt áp lực xuất bán trái tươi" - ông Nguyên khuyến cáo.
Hiện nay, ngoài sản lượng lớn trái thanh long bán tươi, Bình Thuận cũng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chế biến các sản phẩm từ thanh long.
Điều này đang mở ra triển vọng phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long Bình Thuận. Đồng thời, góp phần tiêu thụ trái tươi vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận: Một trong các giải pháp cần tập trung trước mắt là điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ, tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.
Hiện tại, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc. Sở NNPTNT tỉnh đã đề nghị các sở ngành liên quan thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ, giá cả thanh long để người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Trần Khánh/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/xuat-khau-thanh-long-vao-trung-quoc-campuchia-khong-du-co-thanh-doi-thu-cua-viet-nam-20210610091058771.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã