Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh tập trung phát triển đàn lợn siêu nạc

Thứ hai - 07/01/2013 22:58

Hà Tĩnh tập trung phát triển đàn lợn siêu nạc

Dưới sự hỗ trợ của tỉnh và phát huy vai trò "bà đỡ" từ các doanh nghiệp, Hà Tĩnh đang tập trung cao độ cho phát triển đàn lợn siêu nạc, có giá trị hàng hóa cao.


 
Mô hình trại nuôi lợn 1.000 con ở xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên).  
 
"Bà đỡ" Mitraco

Năm 2008 và 2010, dịch tai xanh xảy ra trên diện rộng làm cho tổng đàn lợn của Hà Tĩnh giảm đến 13,4% so năm liền trước đó, khiến người theo nghề nuôi lợn lao đao. Anh Nguyễn Tất Trường ở xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà cho biết, do thầu được diện tích trang trại khá lớn cho nên trước đây, cứ hễ có vốn là anh "ném" vào gây dựng đàn lợn. Nhưng do liên tiếp bị dịch tai xanh, gia đình lâm vào cảnh trắng tay cùng các khoản nợ nần... Ðang tính chuyện xa xứ làm ăn, anh Trường được Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đỡ đầu để tiếp tục nuôi lợn. Thay việc nuôi nhỏ lẻ, anh vay tiền đầu tư ba dãy chuồng lớn. Ðược Mitraco hỗ trợ từ con giống, kỹ thuật, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm, anh Trường tự tin chuyển hẳn sang nuôi lợn siêu nạc thương phẩm. Ðầu tư lớn, bài bản, tiêm phòng dịch cẩn thận cho nên từ cuối năm 2005 trở lại đây, anh nuôi vụ nào thắng vụ đó. Năm 2012, gia đình xuất chuồng ba lứa lợn được gần 200 tấn lợn hơi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng; chưa kể thu nhập từ ba ha hồ nuôi cá và đàn gà gần 1.000 con... Anh Trường cho biết thêm: Nhờ nuôi lợn siêu nạc cho Mitraco mà gia đình anh thoát cảnh nợ nần, vươn lên khá giả với thu nhập hằng năm vài trăm triệu đồng, cuộc sống gia đình tuy chưa thật giàu sang nhưng rất ổn định. Ðiều mà từ trước đến nay, gia đình anh mơ ước. 

 Mitraco còn mạnh dạn hỗ trợ những gia đình, HTX đủ điều kiện đầu tư các trại lợn giống siêu nạc quy mô lớn. Cách Quốc lộ 1 hơn bốn km, vào sát chân núi Cồn Chùa là khu nuôi lợn giống siêu nạc của HTX Hoàng Châu, xã Kỳ Bắc. Ðây là một trại nuôi lợn lý tưởng vì nằm biệt lập, xa khu dân cư; bảo đảm môi trường và kiểm soát được dịch bệnh. Cồn Chùa là trại giống lợn siêu nạc đầu tiên của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với quy mô 350 con lợn nái và 100 lợn hậu bị để hằng năm cung cấp hàng nghìn con giống cho địa bàn. Theo Phó Chủ nhiệm HTX Hoàng Anh Bắc. Trang trại được đầu tư khoảng 13 tỷ đồng, bao gồm: 3.000 m2 chuồng trại, bốn km đường điện, đường giao thông... Nhờ có chính sách khuyến khích của tỉnh, Liên minh HTX... cho nên trang trại được hỗ trợ gần hai phần ba số vốn. Ðặc biệt, ngoài việc hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, Mitraco còn là "bà đỡ", khi cung cấp toàn bộ giống lợn nái bố mẹ ngoại 100% (Yorkshire, Duroc...), thức ăn; đồng thời, cử kỹ thuật viên xuống cùng HTX chăm sóc chu đáo đàn lợn. Nhờ vậy, tuy mới đưa vào hoạt động từ giữa năm 2012 HTX đã xuất chuồng hơn 1.200 lợn giống và giải quyết việc làm cho 10 lao động. Anh Lê Quang Hảo vốn là công nhân khai thác Ti-tan của Công ty Khoáng sản 4 (phải nghỉ việc do không có việc làm) đã được vào làm việc ở đây. Anh Hảo cho biết, anh đã có việc làm ổn định ở HTX, thu nhập tương đối. Từ thành công bước đầu này, HTX Hoàng Châu tiếp tục mở rộng chuồng trại để tăng số lợn giống và nuôi lợn thương phẩm. Ðây là mô hình chăn nuôi tổng hợp quy mô lớn kết hợp với trồng rừng, ước doanh thu hằng năm đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 25%.

Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng cho biết: Toàn tỉnh có 105 mô hình chăn nuôi lợn đạt hiệu quả cao, trong đó có 54 mô hình nuôi lợn siêu nạc liên kết với Mitraco. Hầu hết các mô hình tập trung ở nhiều huyện miền núi, khó khăn như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh...với quy mô từ 300 đến 500 con trở lên. Ðây chính là hạt nhân để nhân ra diện rộng nuôi lợn siêu nạc trong thời gian tới. Ngoài ra, Mitraco đã, đang đầu tư một số trại lợn giống có quy mô từ 350 đến vài nghìn con. Riêng trại lợn giống ở Kỳ Phong (Kỳ Anh), quy mô 2.400 con nái ngoại đang trong giai đoạn đầu tư, với số vốn 100 tỷ đồng. Mitraco phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành đơn vị chủ lực cung cấp lợn giống siêu nạc ngoại cho toàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh: Nhờ liên kết nuôi lợn với các doanh nghiệp, người dân đã giải quyết được các vấn đề cơ bản là được hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi trang trại, môi trường, an toàn dịch bệnh và đầu ra. Hơn thế, người dân chuyển dần ý thức từ nuôi manh mún sang nuôi quy mô lớn, sản xuất hàng hóa...

Xóa dần chăn nuôi manh mún

Trong Ðề án quy hoạch phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương tỉnh Hà Tĩnh, đều quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa dân cư, bảo đảm môi trường; tập trung phát triển các gia trại và trang trại lợn siêu nạc, theo hình thức liên kết "bốn nhà" để phát triển chăn nuôi bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm hơn 30%, giảm dần số hộ nuôi nhỏ lẻ từ 80% xuống hơn 40%. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh và các huyện, thị xã trích ngân sách "kích cầu" người dân đầu tư với số lượng từ 500 con trở lên. Số vốn kích cầu từ cuối năm 2011 đến năm 2015 dự kiến hơn 273 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách và lồng ghép các chương trình dự án khác 78 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và người chăn nuôi 195 tỷ đồng. Chính nhờ vốn "mồi" này mà trong thời gian ngắn vừa qua, Hà Tĩnh đã phát triển được hàng trăm trang trại nuôi lợn quy mô lớn. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép các kênh tín dụng khác hỗ trợ hơn 12,2 tỷ đồng cho 362 hộ dân thuộc năm xã vùng tái định cư Dự án Formosa ở Kỳ Anh chuyển đổi nghề sang chăn nuôi lợn kết hợp xây bể Biogas xử lý môi trường và chất đốt. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng có chính sách ưu tiên về cấp đất, làm nhanh các thủ tục, giải phóng mặt bằng, giải ngân nguồn vốn vay, hỗ trợ lãi suất...

 Mitraco được tỉnh giao vai trò chủ công trong thực hiện Ðề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh, tổng công ty đã lên kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, xây dựng tại mỗi địa phương có một trại lợn giống để đảm nhận cung cấp 60 đến 65% số con giống siêu nạc chất lượng cao. Ðến năm 2015, khoảng 20% tổng đàn lợn trên địa bàn là giống siêu nạc. Ðể giải quyết đầu ra ổn định, tổng công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến súc sản công suất 1.200 con lợn/ngày tại KKT Vũng Áng với mức đầu tư 120 tỷ đồng cung cấp thực phẩm sạch cho tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình, KKT Vũng Áng và xuất khẩu.

Tuy nhiên, để giải bài toán chủ công về phát triển chăn nuôi lợn và chế biến súc sản, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ đặc biệt trong vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của tỉnh để tạo sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn này. Thiếu vốn, thiếu con giống chất lượng cao đang là những trở ngại cho việc phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Hà Tĩnh.

Thành Châu
Theo nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập150
  • Hôm nay28,839
  • Tháng hiện tại259,543
  • Tổng lượt truy cập92,637,207
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây