Trò chuyện với chúng tôi trên phân xưởng rộng 5.000m2 tại xã vùng cao Sùng Phài (Tam Đường), những ký ức về ngày đầu lập nghiệp của chị vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Theo lời kể, chị Nụ lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở miền quê Quỳnh Phụ (Thái Bình). Năm 1982, chị quyết định lên Lai Châu lập nghiệp với hy vọng kiếm tìm may mắn ở miền đất mới. Có chút kinh nghiệm về thu hái búp chè, chị đã được nhận vào làm tại một công ty chè. Đến năm 2002, ngành chè khủng hoảng, công việc bấp bênh, chị đã quyết định xin nghỉ làm để tìm cho mình hướng đi khác.
Thế nhưng....chè níu chân người
Bộc bạch về những khó khăn lúc bấy giờ, chị Nụ cho biết: “Gắn bó với cây chè thời gian lâu như vậy nên giờ nghĩ làm việc khác thật sự là khó”. Quyết tâm theo đuổi đến cùng ngành chè luôn trong tâm thức của chị!.
Với tâm huyết đó, năm 2007, chị quyết định thành lập Công ty chè Shan Trúc Thanh của riêng mình. Để có tiền, chị đã dốc hết vốn liếng, đi vay ngân hàng, thậm chí bán cả nhà cửa để mua xưởng và đầu tư máy móc.
Quyết định bán nhà lấy vốn đầu tư khiến cuộc sống gia đình chị phải lao đao. Chồng chưa thuận với chí hướng của chị nên thường xuyên cáu gắt, con thì nhỏ, gia đình còn phải chắt chiu từng bữa ăn. Giữa bộn bề khó khăn là vậy nhưng chị không nản chí.
Có xưởng, có máy móc, chị chủ động tìm nguồn tiêu thụ bằng cách lặn lội “gõ cửa” từng đầu mối. “Là nông dân, có mấy ai dám bán nhà, bán đất để lấy vốn đánh cược cho một ngành nghề đang trong giai đoạn khủng hoảng. May mắn thay tôi đã không thất bại” - chị Nụ khiêm tốn.
Đặt lợi ích của bà con lên trên hết – nhân tố chính quyết định thành công
Nói đến kinh nghiệm điều hành, quản lý việc sản xuất chè, ánh mắt chị như vui hẳn lên. Tất cả dường như trẻ lại đối với người phụ nữ đã đi qua cái tuổi 50 này. Vì người dân xung quanh xưởng chủ yếu là người dân tộc, tập quán của họ là phó mặc cây chè cho thiên nhiên mà không chăm bón, nên chất lượng búp chè thấp. Thấy vậy, chị đã cho nhiều hộ dân vay phân bón cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Hơn thế, chị còn mạnh dạn đầu tư thuê máy ủi san, gạt mặt bằng để mở rộng và kéo dài đường giao thông quanh xưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đi lại trồng và chăm sóc cây chè được tốt hơn. Do có uy tín, nên bà con dân tộc luôn tìm đến xưởng của chị để bán chè búp tươi. Vào vụ, công ty của chị có thể thu mua 8 - 11 tấn chè búp tươi/ngày.
Bên cạnh việc ký hợp đồng trồng và thu mua chè cho hơn 100 hộ nông dân xung quanh, với công việc ở nhà máy, chị đã giải quyết việc làm cho gần 20 công nhân lao động trực tiếp, với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Em Giàng A Lừ - dân tộc Mông ở bản Tả Lèng, xã Tả Lèng (Tam Đường) rất vui mừng khi được nhận vào làm ở nhà máy chè khi 18 tuổi. Có chỗ ngủ nghỉ, có công việc ổn định lại không lo chuyện ăn uống, do vậy em đã gắn bó với nhà máy gần 3 năm nay. Em tâm sự: “Học xong em không có việc làm nên cô Nụ đã nhận vào đây. Mỗi tháng em cũng có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ, cuộc sống gia đình phần nào cũng đỡ khó khăn hơn trước rồi”.
Với bà con dân tộc nơi đây, chị là tấm gương điển hình về người nông dân biết tìm tòi, sáng tạo, biết chấp nhận thử thách để có được thành công.
Ánh mắt sáng, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi rói, người phụ nữ đầy bản lĩnh này cho biết, đáng mừng không phải là làm giàu riêng cho bản thân, điều quan trọng nhất đó là thương hiệu chè Lai Châu tìm được chỗ đứng trên thị trường. Với điều này, chị đã chiếm lĩnh được sự tin tưởng về chất lượng của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài… Chị đã đạt được tâm nguyện với riêng cây chè. Còn với xã hội, công ty của chị Nụ luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào quyên góp, ủng hộ các quỹ từ thiện... Với những thành tích trong sản xuất và việc làm vì cộng đồng, chị Nụ tự hào được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 và Trung ương Hội Nông dân năm 2012.
Chia tay người phụ nữ dáng hình nhỏ nhắn mà đầy nghị lực, chị Nụ cho biết thêm: “Tới đây, tôi sẽ đầu tư thêm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh cho người dân trồng chè, nhất là đối với bà con dân tộc thiểu số để đảm bảo chất lượng chè búp tươi. Chắc chắn tôi sẽ làm mọi cách để góp phần giữ vững chất lượng chè Việt Nam trên thị trường quốc tế”./.
QD
Theo Khuyến nông Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;