Học tập đạo đức HCM

Mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến của Tiến Nông

Thứ bảy - 22/09/2012 09:52
Ðây là mô hình đang được áp dụng rất thành công tại một số vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Mô hình cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác Tiến Nông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giải phóng được sức lao động cho người nông dân, giúp họ tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
 

 
Áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại xã Thọ Bình (Triệu Sơn).  
 
Mô hình cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng kỹ thuật canh tác Tiến Nông được thực hiện tại một số đồng ruộng của các huyện Triệu Sơn, Hoằng Hóa và Thọ Xuân, trên diện tích từ năm ha trở lên để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào tất cả các khâu chính trong quá trình sản xuất lúa, như: làm đất, gieo mạ, cấy và thu hoạch bằng máy móc. Ngoài ra, các khâu kỹ thuật, chăm sóc, bảo vệ lúa cũng sẽ được khuyến cáo, hướng dẫn theo quy trình kỹ thuật Tiến Nông. Áp dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ này đã cho năng suất cao hơn từ 15 đến 20%, trung bình đạt từ 63 đến 65 tạ/ha, chi phí giảm hơn, giải phóng được sức lao động của người nông dân.

Niềm vui "kép"

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn 5, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn vào trung tuần tháng 9, đúng vào thời điểm người dân thu hoạch vụ lúa đầu tiên áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và theo quy trình kỹ thuật canh tác Tiến Nông. Sự phấn khởi, rạng rỡ thể hiện trên từng nét mặt của người dân và cán bộ, đảng viên nơi đây. Ðồng chí Ðỗ Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thọ Bình hồ hởi cho biết: Với diện tích 11 ha áp dụng mô hình này tại Thọ Bình đã cho thành công ngay vụ sản xuất đầu tiên. Người dân rất phấn khởi, hiện bà con đã đăng ký với HTX hơn 100 ha sản xuất vụ tiếp theo.

Chia vui với thành công của mô hình, anh Lê Văn Ðệ, thôn 1 cho biết: "Vụ này nhà tôi tham gia mô hình sản xuất mới hai sào, cho năng suất cao hơn hẳn canh tác thông thường đạt từ 3 đến 3,2 tạ/sào, diện tích ruộng còn lại năng suất chỉ đạt 2,5 đến 2,7 tạ/sào (năng suất cao nhất về vụ mùa). Tôi thấy mô hình này rất tốt và cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác". 

Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn Lê Như Tuấn cho rằng: Nhìn vào thực tế trong các làng, xã hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động còn rất ít, đa phần thanh niên đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, số còn lại đi học. Vì vậy nhiều nơi không còn nhân công sản xuất nông nghiệp, nông dân không còn tha thiết với đồng ruộng. Mô hình cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng quy trình kỹ thuật Tiến Nông là minh chứng của mối liên kết bốn nhà hiệu quả, tạo sự nhận thức của bà con nông dân về tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình này đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thất thoát trong các khâu thu hoạch, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Với phương pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trực tiếp giữa cán bộ chuyên môn và nông dân ngay trên đồng ruộng nên dễ hiểu, dễ nắm bắt để áp dụng và nhân rộng ra các vụ tiếp theo.

Tính năng vượt trội

Theo đánh giá chung của Trung tâm Khuyến nông các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, mô hình cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác Tiến Nông đã thể hiện tính năng ưu việt ngay từ khâu làm đất. Nếu như trước đây, phương thức làm đất thông thường của địa phương là sử dụng trâu, bò để cày bừa, hoặc máy lồng nhỏ để lồng dập rạ, làm đất không kỹ, tầng canh tác nông dưới 10 cm, rơm rạ phân hủy không hết. Do đó rất nhiều diện tích sau khi cấy khoảng một tuần cây lúa bị nghẹt rễ, nhất là về vụ mùa, thời gian ngắn. Với việc áp dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ, làm đất bằng máy công suất lớn, độ sâu tầng canh tác đạt từ 15 đến 20 cm, rơm rạ phân hủy nhanh, đất nhuyễn hơn, cây lúa sinh trưởng và phát triển nhanh, thuận lợi.

Bên cạnh đó, khâu làm mạ được gieo trong khay (khay mạ theo yêu cầu của máy cấy), sản xuất tập trung trong nhà xưởng cho nên được chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật, không bị tác động của sâu bệnh, khi gieo cấy, lúa nhanh bén rễ xanh tốt (thời gian từ 12 đến 15 ngày gieo cấy). Trong khi gieo mạ thủ công sẽ gặp nhiều rủi ro: thời tiết, sâu bệnh, trâu, bò phá hại... Làm mạ khay nếu có rủi ro thì đã có HTX, doanh nghiệp đền bù thiệt hại. Người dân chỉ phải trả cho HTX mỗi sào mạ khay là 70 nghìn đồng, chi phí công cấy bằng máy là 120 nghìn đồng/sào, giảm 50 nghìn đồng/sào so với canh tác cũ. Cấy bằng máy, nông dân tiết kiệm tới một nửa chi phí, mạ được cấy đúng tuổi, tiến độ nhanh, không lo chậm thời vụ. Hơn nữa, nếu cấy bằng tay, cây mạ khi nhổ hoặc xúc thành từng tảng sẽ đứt rễ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cây lúa và dẫn đến thời gian sinh trưởng và phát triển chậm lại, khả năng chống chịu sâu bệnh kém hơn. 

Qua bốn tháng thực hiện mô hình đã cho thấy hiệu quả máy cấy mang lại trên mạ khay cao hơn hẳn. Cùng trên một đồng đất, cùng một loại giống, nhưng cấy tay và cấy máy bằng mạ khay khác hẳn so với canh tác truyền thống, năng suất lúa chênh lệch từ 15 đến 20%, trung bình đạt từ 63 đến 65 tạ/ha.  Ðáng chú ý, chi phí của mô hình cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng các quy trình kỹ thuật Tiến Nông so với mô hình sản xuất truyền thống là 110 nghìn đồng/sào (2.200.000 đồng/ha). Năng suất cao hơn so với cấy bằng tay, phần chi phí công cấy, công gặt, làm đất giảm và đặc biệt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo vệ môi trường và giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động trong lúc mùa vụ khẩn trương. Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa góp phần tiết kiệm được giống, thời gian lao động, kiểm soát được mật độ thuận lợi cho chăm sóc và bảo vệ cây lúa, giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, đồng thời nâng cao năng suất chất lượng, tránh được thất thoát sau thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân khi bán sản phẩm nông nghiệp.

Cần hơn những doanh nghiệp tâm huyết

Người đưa ra ý tưởng độc đáo này là ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ, Giám đốc Công ty CP Nông công nghiệp Tiến Nông, Thanh Hóa. Ông Phong giải thích: Mô hình cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất khép kín là từ tư duy và xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, song quan trọng nhất là "giải phóng" sức lao động cho nông dân và năng suất cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thủ công truyền thống. Là một doanh nghiệp gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân, chúng tôi luôn trăn trở về điều này.

Một minh chứng rõ ràng trong việc so sánh hiệu quả giữa thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất truyền thống, đó là một kg thóc đã có sự chênh lệch tới 400 đồng/kg. Sản xuất mô hình cơ giới hóa đồng bộ không chỉ năng suất cao hơn, mà chi phí giảm đáng kể và quan trọng là nông dân không phải "chân lấm, tay bùn", giải phóng được hoàn toàn sức lao động. 

Sau khi mô hình đã áp dụng vụ đầu tiên thành công, Công ty Tiến Nông cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa để hoàn thiện tối ưu, trở thành một mô hình chuẩn cho nông dân, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh và các địa phương khác. "Mục đích của Tiến Nông sẽ từng bước chuyển giao các kỹ thuật cho nông dân về quy trình sản xuất lúa hàng hóa, hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn, hiệu quả và năng suất cao hơn, từng bước đưa nông dân thoát nghèo. Về dài hạn, trên những cánh đồng mẫu lớn áp dụng sản xuất cơ giới hóa đồng bộ sẽ cho ra đời các sản phẩm lúa gạo chất lượng tốt, năng suất cao. Chúng tôi cam kết sẽ tham gia tích cực, đầu tư theo chiều sâu và cùng với bà con nông dân đi đến thành công", Giám đốc Nguyễn Hồng Phong khẳng định.

Hiện Công ty Tiến Nông đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu giống lúa lai của tỉnh Thanh Hóa, Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền... để nghiên cứu và đưa đồng bộ các loại giống chất lượng, phù hợp từng đồng đất cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất.

LÊ KIÊN
Nguồn:nhandan.com.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập259
  • Hôm nay35,983
  • Tháng hiện tại877,184
  • Tổng lượt truy cập93,254,848
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây