Thay vì dùng đất, có thể dùng nước pha dung dịch dinh dưỡng để cây trồng sinh trưởng (thủy canh). Đây là phương pháp trồng rau cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn và kiểm soát được chất lượng rau. Vừa có rau sạch, vừa thư giãn Giữa cái nắng chói chang vào buổi trưa, sân thượng của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (quận 7) vẫn mát rượi với khu vườn đầy rau đủ loại như rau muống, xà lách, hành lá, mùi, rau cải... Năm giàn rau được dựng bằng khung nhôm có mái che bằng nhựa chiếm gần trọn diện tích sân thượng. Mỗi giàn được chia thành năm tầng để trồng rau nhằm tiết kiệm diện tích. Bà Nguyệt cho biết với “vườn” rau này, mỗi tháng gia đình bà thu hoạch được trên 110kg rau các loại.
Thay vì đi chợ mua rau để tủ lạnh như trước đây, từ hai năm nay gia đình bà Nguyệt chỉ cần lên sân thượng là có rau ăn. “Tôi đang trồng 15 loại rau ăn lá, thu hoạch nhiều thì bỏ tủ lạnh hơn một tuần rau vẫn xanh, rau chính tay mình trồng nên yên tâm hơn khi sử dụng” - bà Nguyệt nói. Tương tự, gia đình bà Trần Thị Hồng (Tân Bình) cũng tận dụng khoảng sân thượng nhỏ để trồng rau được gần một năm nay. Theo bà Hồng, trồng rau theo phương pháp thủy canh không khó, ít phải chăm sóc như trồng trên đất mà chỉ cần pha nước theo quy trình là được. Do “vườn” rau tăng trưởng nhanh và năng suất cao nên gia đình bà Hồng ăn không hết, mà còn đem cho một số bạn bè.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều gia đình tại TP.HCM đang tận dụng không gian như sân thượng, khoảng sân nhỏ... để trồng rau, chủ yếu bằng phương pháp trồng thủy canh. Hiện có khoảng 30 loại rau ăn lá phổ biến như rau quế, rau thơm, cải... và gần mười loại rau lấy quả như khổ qua, dưa leo... được nhiều hộ gia đình trồng bằng phương pháp thủy canh cho kết quả tốt. Tại TP.HCM cũng đã xuất hiện nhiều công ty, trung tâm nghiên cứu và cung ứng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh. Ngoài việc tư vấn cho người trồng rau, các tổ chức này còn cung cấp các loại dung dịch dinh dưỡng trồng rau, khay xốp, hạt giống... và dịch vụ lắp đặt trọn gói cả vườn rau cho khách hàng có nhu cầu. Rau tự trồng có thật sự sạch? Bên cạnh xu hướng tự trồng rau để sử dụng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng khó an tâm về chất lượng của các loại rau trồng tại đô thị. Theo GS Nguyễn Quốc Vọng (ĐH Nông nghiệp I Hà Nội), do khâu quản lý thực phẩm của VN còn nhiều yếu kém, chất lượng rau rất khó nhận biết, người tiêu dùng chưa có niềm tin vào rau bán ở các chợ lẻ, nên việc người dân tự trồng rau tại nhà để có rau an toàn sử dụng cũng là một biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Thế nhưng, GS Vọng cũng băn khoăn với chất lượng rau tự trồng khi cho rằng các chất dinh dưỡng pha vào nước cũng là các loại phân bón, nếu vượt quá nhu cầu của cây trồng có thể ảnh hưởng xấu đến cây và tồn dư trong rau ảnh hưởng đến người sử dụng. Do đó, người trồng phải chọn nguồn cung cấp dinh dưỡng uy tín và kiểm soát tốt lượng chất dinh dưỡng đưa vào trong quá trình trồng. “Dù không sử dụng thuốc trừ sâu nhưng với môi trường tại đô thị bị ô nhiễm cao hơn hẳn các khu vực trồng rau tại nông thôn nên các chất ô nhiễm theo mưa, không khí sẽ được cây hấp thụ” - ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc Công ty TNHH Vietfarm, nói. Tuy nhiên theo ông Trần Phước Dũng - giám đốc ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, trồng rau bằng phương pháp thủy canh sẽ chủ động điều chỉnh dư lượng các chất dinh dưỡng cho cây, không dùng thuốc bảo vệ thực vật do côn trùng sâu bệnh rất ít nên rau được trồng bằng phương pháp này đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn theo TS Dương Hoa Xô - giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, dinh dưỡng sử dụng để trồng rau thủy canh có nhiều loại, nhưng phần lớn đều an toàn với sức khỏe con người. TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ
| ||||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã