Học tập đạo đức HCM

Người làm giàu cho cả làng

Thứ sáu - 27/07/2012 03:34
Năm 1982, rời chiến trường Campuchia với thương tật hạng 3/4, hai Huân chương Chiến công và một Huy chương Hữu nghị Ăng - co, anh Phạm Ngọc Dũng trở về quê là làng Dưỡng Thông, xã Thượng Hiên, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) để bắt đầu một cuộc sống đời thường.

 

Làng Dưỡng Thông quê anh có nghề đan mây, nghề được truyền từ Hà Đông (Hà Nội) về làng đã hơn một trăm năm. Vì làm nghề này nên làng còn có tên là làng Mây. Gia đình anh lại có thêm nghề ươm cây giống. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, còn bé tý nhưng Dũng đã lon ton theo bố ươm cây, đánh cây… Về làng, thấy bà con đan mây bằng tay, rất vất vả nhưng năng suất không cao, anh Dũng đã nảy ý định chuyển công việc từ “đan mây” thành “dệt mây”.

Không dám so sánh với sự “lao tâm khổ tứ” của nhà sáng chế Joseph Marie Jacquard (Pháp) trong quá trình sáng chế ra chiếc máy dệt (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19), nhưng việc sáng chế ra công cụ để chuyển việc “đan mây” thành “dệt mây” thì đã ngốn của anh rất nhiều tâm sức. Suốt mấy năm trời đóng cửa, hết vẽ lại xóa, hết đục lại đẽo… Đến năm 1993, Phạm Ngọc Dũng đã sáng chế thành công 6 loại go dệt mặt bàn, mặt ghế bằng mây, với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hẳn đan mây thủ công. Về năng suất, một lao động sử dụng công cụ của anh 1 ngày có thể đạt 6,5 mét vuông, cao gấp 300 lần đan tay…

Nhớ lại giây phút thành công đó, anh kể rằng mình đã hét vang lên vì sung sướng. Bạn bè nghe tin đổ đến đông nghịt. Nhìn chiếc máy dệt mây vận hành trơn tru, ai nấy xiết chặt tay anh chúc mừng. Chiếc máy nhanh chóng được bà con làng nghề tiếp nhận và là một thành tích đáng kể để 20 năm sau, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã trao tặng anh danh hiệu cao quý “Nghệ nhân làng nghề”.


Anh Phạm Ngọc Dũng (trái) đang hướng dẫn kỹ thuật trồng mây nếp

Có công cụ, năng suất tăng lên, nghề đan mây phát triển, thì lại nảy sinh khó khăn mới, đó là lấy sợi mây đâu mà dệt? Trước đây, người thợ đan mây cũng là người thợ chẻ mây, chuốt mây, và sản phẩm cũng khá nghèo nàn, thường chỉ là khay mây, đĩa mây, làn mây… Cơ chế thị trường đã nhanh chóng phân đoạn sản xuất, mặt hàng cũng càng ngày càng phong phú hơn.

Những chiếc máy chẻ mây, chuốt mây ra đời đã “ngốn” mỗi ngày hàng chục tấn mây cây. Nguyên liệu (cây mây), vì vậy trở nên thiếu trầm trọng và giá cứ vùn vụt tăng. Mây nguyên liệu chủ yếu là mây rừng, nhưng việc khai thác bừa bãi kiểu vắt kiệt để kiếm lời, lại thêm diện tích rừng càng ngày càng bị thu hẹp lại, khiến cho nguồn mây có nguy cơ cạn kiệt.

Trước tình hình đó Phạm Ngọc Dũng quyết định triển khai ngay ý tưởng đã ấp ủ từ lâu: Tạo nguồn nguyên liệu ngay tại quê hương mình. Ngày trước, thân sinh anh đã có nghề ươm cây giống, trong đó có cây mây, nên kỹ thuật ươm mây, trồng mây anh không lạ. Nhưng việc trồng mây truyền thống không thể giải quyết được vấn đề.

Trước nay, người dân vẫn trồng mây ở mép vườn, cốt để giữ đất hơn là lấy sợi dùng, nên lượng mây rất ít. Mây vẫn trồng là giống mây truyền thống, thân nhỏ và ngắn, chất lượng sợi thương phẩm không cao, phải xử lý bằng hóa chất mới trở thành nguyên liệu đan được. Nay muốn giải quyết triệt để vấn đề nguyên liệu, thì phải trồng mây theo lối công nghiệp, và phải có giống mây khác. Lời giải cho bài toán đó, tìm ở đâu bây giờ?

Và bài toán đã được giải khi anh tìm ra loại mây nếp K83, còn có tên gọi khác là mây ruột gà. Loại mây này có những ưu điểm vượt trội hẳn so với cây mây truyền thống: Độ dài bình quân đạt 5 mét, gốc và ngọn suôn đều, tỷ lệ sợi thương phẩm cao, màu mây trắng, bóng, và điều quan trọng nhất là khi chế biến không phải xử lý bằng hóa chất. Chính ưu điểm này của mây K83 đã khiến những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hoa Kỳ… cũng chấp nhận đồ mây đan Việt Nam.

Tuy nhiên, trồng được loại mây này không dễ, vì nguồn giống đầu lòng của nó cực hiếm. Mây nếp đang là “cây đặc sản trong sách đỏ làng nghề”, trên thế giới chỉ có Việt Nam và 6 quốc gia khác ở Đông Nam Á là có loại mây này nhưng cũng đang bị khai thác đến cạn kiệt. Mây nếp ít ra hoa, hoa ít đậu quả, rất khó nhân giống, việc thu hái trong tự nhiên lại thụ động nên giống rất đắt…

Cây mây nếp K83 được Phạm Ngọc Dũng ươm, trồng, nhân giống thành công theo phương thức công nghiệp ở Thượng Hiền đã góp phần tạo ra một nguồn nguyên liệu khá dồi dào cho nghề đan mây. Đó là năm 2001. Anh Dũng cho biết, thành công này cũng khiến anh ngất ngây trong niềm sung sướng chẳng khác gì niềm sung sướng khi sáng chế thành công chiếc máy dệt sợi mây năm 1993.


Phát triển giống mây nếp ở Thượng Hiền

Được anh chuyển giao kỹ thuật, hàng chục hộ gia đình ở Dưỡng Thông đã phá bỏ vườn tạp và dành những thửa đất cấy lúa kém hiệu quả để làm vườn ươm mây nếp. Đến nay, làng Dưỡng Thông đã có hàng chục vườn ươm mây giống với tổng diện tích 2,2 ha, kết quả là cùng một đơn vị diện tích, nếu ươm mây nếp thì có thu nhập cao gấp chục lần so với trồng lúa. Hàng chục hộ gia đình đã khá lên nhờ mây nếp như hộ ông Đỗ Xuân Đức, hộ ông Nguyễn Văn Duẩn…

 Bởi một sào mây nếp giống nếu ươm bình thường, trừ chi phí đi còn cho lãi ròng 3 triệu đồng, còn trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, có thể cho lãi ròng 6 triệu. Như vậy, bình thường nhất thì 1 ha đất ươm mây nếp cũng cho lãi ròng 100 triệu, trong khi phần lãi ròng của 1 ha lúa chỉ là 18 đến 20 triệu.
 

Điều đáng nói nhất là Phạm Ngọc Dũng đã tìm ra cách rút ngắn được thời gian nẩy mầm của cây mây. Trước nay, mây gieo 4 tháng mới nẩy mầm thì nay chỉ cần gieo 25 ngày đã nẩy mà không cần dùng bất cứ thứ thuốc kích thích nào.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về anh thương binh Phạm Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hiền Phạm Xuân Tuân có một lời nhận xét ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: Những việc làm của anh Dũng đã làm thay đổi bộ mặt của quê hương chúng tôi.

Năm 2005, Phạm Ngọc Dũng quyết định thành lập Cty Cổ phần Thương mại sản xuất và Phát triển mây song Dũng Tấn (gọi tắt là Cty Dũng Tấn) do anh làm giám đốc. Năm 2006, Cty đã có thị phần ở 29 tỉnh và thành phố, từ Thái Nguyên cho đến Gia Lai, và đến năm 2008 thì phát triển vườn ươm tại 36 tỉnh, thành phố, với diện tích vườn ươm hơn 5 ha, cung cấp cho thị trường hàng triệu cây mây nếp giống.

Cty đã chi ra hơn 500 triệu đồng để mời hàng ngàn lượt khách từ các tỉnh xa về tập huấn kỹ thuật trồng mây, đầu tư công nghệ ươm trồng với những phương pháp mới, những tiến bộ kỹ thuật mới, ký hợp đồng chu đáo với người trồng và hàng năm đều hỗ trợ kỹ thuật 4 lần về chăm sóc cây, thu hoạch sợi.

Với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có nhu cầu trồng cây mây nếp, Cty Dũng Tấn sẵn sàng bỏ vốn ra ứng trước cho bà con rồi thu hồi sau. Trong chiến lược phát triển của mình, Cty Dũng Tấn đặt trọng tâm vào việc khai thác mây bền vững, truyền nghề đan mây cho bà con ở khắp mọi miền để thu mua xuất khẩu. Muốn vậy, anh Dũng cho biết, cần phải có một lượng giống lớn để mỗi năm cung cấp hàng chục triệu cây mây nếp cho thị trường, và phải có từ 6 đến 7 tỷ mét sợi mây thương phẩm hàng năm…

Với những cống hiến của mình, Phạm Ngọc Dũng đã được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương, và được tặng nhiều danh hiệu cao quý. Ngoài danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề”, anh còn được tặng các danh hiệu “Nghệ nhân bàn tay vàng”, được tặng cúp “Bông sen vàng Việt Nam phát triển bền vững thế kỷ 21”, cúp vàng “thương hiệu Việt Nam” và cúp “Doanh nhân tiêu biểu”…

Nhưng, danh hiệu lớn nhất chính là danh hiệu “người làm giàu cho cả làng” mà người dân làng Dưỡng Thông tặng cho anh.

Thanh Vũ
Nguồn nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập319
  • Hôm nay70,199
  • Tháng hiện tại729,526
  • Tổng lượt truy cập93,107,190
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây