Học tập đạo đức HCM

Tỷ phú cửa biển Hố Gùi

Thứ tư - 05/02/2014 22:28

Cách đây hơn 20 năm, Hai Ánh (Phạm Ngọc Ánh, SN 1947) dẫn vợ con về ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau sang lại 14 ha đất rừng còn hoang hóa của Nông trường 2 ở ngã ba sông Hố Gùi (cách cửa biển Hố Gùi khoảng 2 km). Thấy vậy nhiều người cười bảo ông đất ở đâu không mua lại chọn miếng đất mom sông. Ấy thế mà, vài năm sau người ta phải gật đầu thán phục gọi Hai Ánh là tỷ phú.

Bằng giọng nói từ tốn, Hai Ánh kể cho chúng tôi nghe con đường chinh phục vùng đất phèn mặn từ những ngày đầu khi mới về lập nghiệp: “Khó khăn, vất vả dữ lắm chú ơi. Hồi đó không biết bà nhà tôi đã khóc bao nhiêu lần. Bà ấy trách tôi sao không chịu ở thành thị mà đưa về đây ở trong căn chòi nhỏ giữa rừng. Tôi nói với bà, đất ở đâu cũng không phụ lòng người, chỉ sợ con người không đủ sức và nghị lực khai phá mà thôi”.

Nuôi cá nước ngọt cửa biển

Xuất thân từ gia đình nông dân có truyền thống cách mạng, sau ngày giải phóng Hai Ánh không ở lại thành thị như bao người khác mà quyết định chọn vùng đất sát cửa biển Hố Gùi để phát triển kinh tế gia đình.

Ông tâm sự: “Thú thật khi mới đặt chân đến vùng đất này, tôi nghĩ quê hương mình có thế mạnh là “rừng vàng biển bạc”. Hơn nữa đất đai lại màu mỡ, tại sao rau cải, cá mắm không có để ăn… Từ những suy nghĩ đó tôi quyết tâm làm giàu cho bằng được trên vùng đất bị người ta chê”.


Mô hình nuôi cá nước ngọt đang đem về thu nhập cao

Sau khi sang lại 14 ha đất rừng, Hai Ánh bắt tay ngay vào công việc cải tạo đất. Hằng ngày ông ra sức đào mương, lên liếp, khai thông dòng chảy để nuôi tôm, nuôi cua… Đất không phụ công người, vuông tôm hơn 10 ha của Hai Ánh đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng/tháng. Từ những thành công bước đầu, ông nông dân thứ thiệt này tiếp tục bỏ công sức biến đất phèn mặn thành những bờ rau, ao cá.

Nắm bắt được thổ nhưỡng của vùng đất này là vào khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm nước mặn sẽ dâng cao, nên khi đào mương nuôi cá nước ngọt Hai Ánh lên liếp cao hơn mực nước dâng. Nhớ lại lần đầu đào ao nuôi cá, Hai Ánh nói vui: “Ban đầu gan chưa lớn nên tôi chỉ đào một ao (hơn 500 m2) để nuôi thử. Thả đủ loại cá như cá tra, tai tượng, cá bổi, điêu hồng… đến cuối năm ao nước ngọt này cho thu hoạch hơn 500 kg cá. Sau khi trừ tất cả chi phí tôi còn lãi hàng chục triệu đồng. Hăng máu nên tôi quyết định đào thêm nhiều ao, áp dụng nhiều mô hình mới như nuôi ba ba, nuôi gà, vịt… còn trên bờ thì trồng đủ các loại rau màu, cây ăn trái”.

Từ một ao cá nước ngọt ban đầu, Hai Ánh nhân rộng ra thành 5 ao với diện tích hơn 4.000 m2, một năm cho thu hoạch hai lần, hơn 2 tấn cá các loại. Hơn 20 năm qua mô hình nuôi cá nước ngọt của Hai Ánh đã đem lại nguồn thu trên dưới 100 triệu đ/năm cho gia đình.

Ông Phạm Hoàng Sang, ngụ cùng địa phương thán phục: “Thú thật bây giờ nhìn thấy mô hình phát triển kinh tế của Hai Ánh mà phát ham. Hồi ông ấy mới bắt tay vào làm, ngay cả tôi là bạn thân của ông cũng không thể tin là thành công. Vì vùng đất này chỉ nằm cách cửa biển chưa đầy 2 km, nước mặn quanh năm. Vậy mà Hai Ánh đã tạo ra hẳn một trang trại với nhiều mô hình hiệu quả”.

Để có được nước ngọt, trong quá trình đào mương, Hai Ánh đặt ống dẫn nước ngọt từ giếng khoan ra từng ao. Đồng thời làm hệ thống thoát nước mặn ở tầng đáy phòng ngừa nước mặn ngấm vào khi mùa nước dâng. Sau khi chuẩn bị ao mương kỹ càng, Hai Ánh bắt đầu thả cá giống xuống nuôi. Ban đầu khi cá nhỏ Hai Ánh sang vùng U Minh tìm bèo về thả xuống ao làm thức ăn cho cá.


Dưới ao nuôi cá, trên bờ trồng màu, cây ăn trái

“Bèo chỉ giải quyết được thức ăn cho hàng tấn cá ở 5 ao lúc chúng còn nhỏ. Đến khi cá lớn thì phải cho ăn bằng các loại cá tạm mua ngoài cửa biển. Để có tiền mua cá tạp tôi quyết định trồng bông súng Đà Lạt ở 5 ao. Bông súng bán mỗi kg 10 ngàn, mỗi ngày thu hoạch khoảng 20 kg, trong khi cá tạp mua mỗi kg chưa tới 3.000 đồng. Như vậy tôi khỏi phải móc tiền túi ra mà vẫn có tiền mua thức ăn cho cá khỏe re”, Hai Ánh nói.

Ngoài các mô hình kinh tế nước ngọt, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình, Hai Ánh còn áp dụng nuôi hàu gạch, hàu dây trong vuông tôm quảng canh cải tiến cho thu nhập cao. Nhờ biết làm ăn và ý chí làm giàu nên từ một nông dân không có “cục đất chọi chim” ngày nào, đến nay Hai Ánh đã có trong tay hàng chục ha đất (18 ha đất rừng đước đang vào độ tuổi thu hoạch, 12 ha nuôi tôm) với tổng nguồn thu gần 1 tỷ đ/năm.

Ông Hai sáng kiến

Ở ấp Hố Gùi, Hai Ánh không chỉ được biết đến là người đầu tiên phát triển được các mô hình kinh tế nước ngọt, mà ông còn được biết đến bởi sáng kiến dùng tre thay sắt thép khi làm cống sổ vuông, góp phần làm giảm chi phí hàng chục triệu đồng/cống cho người dân địa phương.

Nói về việc dùng tre làm khung đổ cống, Hai Anh phấn khởi: “Cách đây khá lâu tôi có dịp tham quan nhiều công trình thủy lợi ở nhiều địa phương khác. Khi về tôi suy nghĩ đến việc dùng thanh cây tre thay cho sắt làm khung đổ cống. Không ngờ khi bắt tay vào làm hiệu quả mang lại thấy rõ”.

Theo Hai Ánh, muốn cho cống có tuổi thọ lâu thì nên dùng tre Mạnh tông hay tre gai già. Cách thức làm cũng hết sức đơn giản, sau khi mua tre về chẻ ra thành miếng có kích thước bằng sắt 10, phơi khô. Khi tiến hành làm khung cống nên để khoảng cách từ 1 đến 1,1 tấc, dùng dây kẽm cột khung, sau đó là đổ hồ thông thường như khi dùng bê tông cốt thép. Chỉ tay về cái cống trước cửa nhà mình, Hai Ánh tự hào: “Cái cống có bộ khung bằng tre của tôi đã có tuổi đời gần 30 năm mà chưa hề hấn gì”.


Thu hoạch bông súng trong ao

Ông Sáu Lượt, ngụ cùng địa phương nói: “Sáng kiến dùng tre thay bê tông cốt thép khi làm cống sổ vuông tôm của Hai Ánh rất hay. Với giá sắt như hiện nay, quân bình một cái cống phải mất hơn 10 triệu đồng tiền sắt, còn khi dùng tre thì mất không tới 1 triệu đồng, mà độ bền của cống rất cao”.

Nhận xét về người nông dân tài ba này, ông Nguyễn Truyền Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn khẳng định: “Ông Hai Ánh là niềm tự hào và là tấm gương tiêu biểu đáng để nhiều người học hỏi. Ngoài việc biết làm giàu cho gia đình, Hai Ánh còn nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm giúp bà con ở địa phương làm giàu”.

Với những thành tích của mình, Hai Ánh là nông dân duy nhất đại diện cho Hội Nông dân tỉnh Cà Mau tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8, tại Hà Nội năm 2010. Ngoài ra, ông còn liên tiếp nhận được nhiều Bằng khen “Nông dân SX giỏi" và "Nông dân tiên tiến” cấp huyện, tỉnh, Trung ương.

Theo Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập411
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm399
  • Hôm nay35,592
  • Tháng hiện tại1,036,047
  • Tổng lượt truy cập92,209,776
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây