Hà Tĩnh: Xử lý 174 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý 174 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2018
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã thành lập 278 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó tuyến tỉnh 3 đoàn, tuyến huyện 13 đoàn, tuyến xã 262 đoàn.
Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 2335 cơ sở, phát hiện 350 cơ sở vi phạm, trong đó có 174 cơ sở vi phạm xử lý. Bên cạnh đó các đoàn cũng đã tiêu hủy: 95 kg thực phẩm tươi sống, 75 kg mỳ chính, gần 50 chai rượu lậu và hàng tạ bánh kẹo,...
Các nội dung vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện con người, chất lượng sản phẩm, thực phẩm. Cũng trong đợt này các đoàn đã lấy gần 900 mẫu xét nghiệm, trong đó có 8,4% mẫu không đạt.
Cùng với việc thanh, kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm giáo dục, nâng cao kiến thức, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân.
Hà Nội: Lò mổ xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường
Nhiều năm qua, lò mổ gia súc, gia cầm tập trung của công ty Thịnh An đóng tại thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Cơ sở giết mổ gia súc – gia cầm với diện tích hàng ngàn m2, mỗi ngày có hàng trăm con lợn đang được giết mổ, máu, lông, phân lợn chưa kịp dọn cùng mùi tanh nồng nặc bốc lên. Sau đó, những nhân viên của Công ty dùng vòi lớn xịt nước chảy vào hệ thống xử lý nước. Theo đường đi của những ống nhựa dẫn nước thải cỡ lớn ra khu vực mương, cống dân sinh của bà con địa phương thì thấy dòng nước có màu đen, bốc mùi khó chịu được xả ra.
Dọc tuyến kênh thủy lợi này, nước từ kênh đổ ra sông Hồng gần khu vực bến đò xã Vạn Phúc. Nước thải chảy đến đâu các váng đen bám vào đất và hoa màu đến đó. Theo phản ánh của người dân, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối nước từ con kênh càng phát tán mạnh trong không khí, ruồi muỗi sinh sôi nảy nở rất nhanh…
Người dân ở đây cũng cho biết, hàng ngày, từ khoảng 1 – 2 giờ sáng trở đi là cơ sở giết mổ bắt đầu hoạt động. Cả nghìn con lợn kêu la inh ỏi khiến mọi người không thể ngủ được.
Được biết, từ năm 2012, khi hoạt động chính thức tại xã Vạn Phúc, Công ty Thịnh An đã vẽ ra rất nhiều viễn cảnh tốt đẹp, đặc biệt là sự thay đổi về chất lượng vệ sinh giết mổ. Tuy nhiên, với công suất giết mổ tăng gấp hàng chục lần so với thời điểm ban đầu thì hệ thống xử lý vệ sinh môi trường đã không thể đáp ứng nổi. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng để đảm bảo môi trường và cuộc sống của người dân.
Đồng Tháp: 17 học sinh ngộ độc do ăn gỏi xoài thực hành trên lớp
Ngày 8/3, ông Lê Ngọc Ảnh – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thừa nhận trên địa bàn huyện có xảy ra vụ việc 17 học sinh lớp 6A2 trường THCS Đốc Binh Kiều bị đau bụng sau khi dùng món gỏi xoài tôm trong một tiết thực hành môn sinh.
Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào chiều 7/3, trong tiết thực hành môn sinh, lớp 6A2 thực hành chế biến món gỏi xoài tôm. Sau đó nhóm học sinh chia nhau dùng món này thì có triệu chứng đau bụng, chóng mặt.
Cụ thể có 17 em được chuyển đến trạm y tế xã để điều trị. Trong đó, có 5 ca nặng đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười.
Theo chẩn đoán của bệnh viện, các em bị ngộ độc thực phẩm. Hiện tại sức khỏe của các em đã khá hơn.
Qua vụ việc nêu trên, ông Ảnh đã thông báo đến các trường trên địa bàn huyện, cần chú ý những tiết thực hành, chế biến món ăn, từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến chế biến, tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều tra vụ chế biến khoai mì bằng lưu huỳnh để làm thực phẩm
Ngày 9-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cho biết đã vào cuộc điều tra và đang củng cố hồ sơ xử lý vụ sản xuất khoai mì lát bằng chất lưu huỳnh xảy ra trên địa bàn huyện.
Trước đó, ngày 6-3, qua phản ánh thông tin trên báo chí về việc ủ hóa chất biến khoai mì để làm thực phẩm diễn ra tại 4 cơ sở sản xuất khoai mì lát tại ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, do ông Võ Thành Tâm, bà Võ Thị Trên, ông Võ Văn Lên và ông Nguyễn Văn Vân làm chủ. Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Nhơn Trạch đã phối hợp với các ngành chức năng, tiến hành xác minh nguồn tin và kiểm tra, làm việc với các cơ sở trên.
Qua kiểm tra, xác minh tại hiện trường, tất cả các cơ sở đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chủ cơ sở trên đều khai nhận trong quá trình chế biến khoai mì có sử dụng chất lưu huỳnh mua tại chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM.
Theo các hộ này, để có những lát khoai mì đẹp mắt, họ đem lưu huỳnh mua về chứa trong các lon nhỏ, sau đó mang đặt trong các đống khoai mì củ rồi đốt lên để xông trong 3 ngày, quy trình lập lại 3 lần, sau đó số khoai mì trên được phơi trong khoảng 20 ngày, mang sắt lát thành phẩm bán ra thị trường.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa của 4 cơ sở trên, gồm: 300 bao củ mì và khoảng 19 tấn củ mì, lấy mẫu đối với sản phẩm khoai mì trên để phân tích hóa chất, đánh giá nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý. theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
Ngày 9-3, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2018: Số mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè; ô nhiễm vi sinh trong thịt; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi giảm 10% so với năm 2017.
100% các thông tin phản ánh về mất ATTP nông, lâm, thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời. 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng thành phố quản lý được tập huấn, phổ biến kiến thức và thực hành đúng về bảo đảm ATTP.
Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản kiểm tra đạt yêu cầu (xếp loại A, B) về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2017. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP) được nâng hạng A, B tăng 10% so với năm 2017.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đảm bảo ATTP.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, ngoài việc hoàn thiện xây dựng cơ chế chính sách; tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm; thông tin, truyền thông về ATTP; tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm...