Học tập đạo đức HCM

Bỏ trà xuân sớm - huyện điểm gồng mình

Thứ hai - 10/12/2012 19:12
Trên đà thắng lợi của việc bỏ trà xuân sớm trong vụ đông xuân 2011-2012, vụ xuân 2012, huyện Can Lộc đặt mục tiêu chỉ cơ cấu duy nhất trà xuân muộn. Thế nhưng ở một số xã, thị trấn, dù cán bộ cơ sở đã bám sát từng hộ dân để tuyên tuyền, vận động, thì trong thời điểm này, không ít luống mạ đã lên xanh, một số diện tích IR1820 đã được gieo thẳng.

 

Chủ động từ đầu vẫn khó

Rút kinh nghiệm từ vụ đông xuân 2011-2012 (còn hơn 15% lúa xuân sớm), thị trấn Nghèn lên kế hoạch cụ thể, triển khai sớm và chặt chẽ chủ trương của tỉnh và huyện. Phó chủ tịch UBND Thị trấn Bùi Văn Hồng cho biết, đề án đưa ra kế hoạch 100% diện tích xuân muộn và được triển khai kịp thời đến tận 18 đơn vị.

Bỏ trà xuân sớm - huyện điểm gồng mình

Ruộng mạ IR1820 của HTX Tân Vĩnh - Thị trấn Nghèn đã vào thời kỳ phát triển tốt

Thị trấn tổ chức làm việc với 6 HTX nông nghiệp trên địa bàn, quy hoạch vùng sản xuất, chọn giống theo cơ cấu của tỉnh, huyện và xây dựng 3 cánh đồng mẫu. Các cuộc tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất giống mới được tổ chức kỹ lưỡng.

Thế nhưng, “Cuộc họp nào, cũng đều nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của mọi người nhưng đến lúc ký cam kết và đăng ký giống thì nhiều người dân không tuân thủ chỉ đạo của thị trấn. Kết quả là nhiều hộ dân đã tiến hành bắc mạ IR1820 với diện tích lớn. Trước tình trạng này, với quan điểm, để người dân tự nhận thức được hành vi và tự hủy bỏ diện tích mạ không tuân thủ chủ trương, Thị trấn đã đưa ra chính sách, hỗ trợ 100% lượng giống mới và phân bón cho diện tích này, nhưng vẫn không thuyết phục được người dân” - ông Hồng nói.

Chúng tôi có mặt tại ruộng mạ của HTX Tân Vĩnh (Thị trấn Nghèn) với khoảng 1 ha mạ đã lên xanh sẵn sàng cho hơn 40 ha ruộng cấy trà xuân sớm. Giải thích về điều này, ông Trần Phúc Lâm - Chủ nhiệm HTX Tân Vĩnh cho biết: vụ đông xuân trước, một số giống mới đưa vào năng suất thấp (như QR1). Bởi vậy, vụ xuân 2013 này, dù đã vận động, tuyên truyền rất nhiều nhưng bà con vẫn lựa chọn giống cũ.

Bỏ trà xuân sớm - huyện điểm gồng mình

Nhiều thửa ruộng đã cày đất, chuẩn bị vào vụ cấy

Hiện nay, chính quyền thị trấn cùng với HTX đang cố gắng vận động nhân dân dành 20 ha đất còn lại để làm cánh đồng mẫu, phấn đấu diện tích giống mới này năng suất, hiệu quả kinh tế cao để đối chứng, thuyết phục nhân dân trong vụ sau. Tuy nhiên, người dân ở đây đang mỗi nhà chọn 1 giống, chưa chịu thống nhất chủ trương này.

Phó chủ tịch UBND thị trấn Bùi Văn Hồng thừa nhận, ngoài diện tích của HTX Tân Vĩnh, thị trấn Nghèn còn có một số vùng đang rục rịch gieo cấy lúa xuân sớm như ở xóm Xuân Thủy 2 có 110 hộ. Nỗi lo đó rất dễ thành hiện thực bởi khắp các cánh đồng của thị trấn, chúng tôi gặp khá nhiều ruộng mạ đang lên xanh.

Trắng đêm “canh ruộng”

Đến 7 giờ tối, Chủ tịch UBND xã Quang Lộc - Đặng Hồng Kiệm vẫn đang cùng anh em cán bộ xã túc trực tại ruộng. Những ngày cao điểm này, Quang Lộc đã phải huy động cả hệ thống chính trị từ thôn đến xã, thành lập các tổ công tác chia phiên trực đêm để canh chừng việc người dân tìm cách gieo trộm lúa IR1820.

Mấy tháng nay, hàng chục cuộc họp từ xã xuống tận thôn xóm; các đoàn công tác đã kiên trì nhiều lần đến vận động tận hộ, nhưng kết quả là chỉ có 57% hộ dân ký cam kết không sản xuất trà xuân sớm. Nhiều biện pháp khác tiếp tục được áp dụng nhưng đến thời điểm xuống trà xuân sớm hiện nay, nhiều luống mạ phủ ni lông đã xanh tốt, những cánh đồng được làm đất kỹ lưỡng để gieo thẳng. Tính cả diện tích mạ và lúa đã gieo, trà xuân sớm đang chiếm 23-25% tổng diện tích gieo cấy ở Quang Lộc.

Gặp chúng tôi trên đường đi thăm đồng về, ông Nguyễn Danh Hùng- người dân xóm Yên Lạc (một trong 4 xóm có diện tích lúa xuân sớm) cho biết, xóm ông có 35 ha lúa, đến nay khoảng 45% diện tích đã được gieo hoặc chuẩn bị mạ cho trà xuân sớm. Hơn nửa diện tích sẽ làm xuân muộn còn lại chủ yếu là của các hộ là cán bộ, đảng viên.

“Tôi tính ra, giống IR1820 đã gắn bó với nông dân 32 năm rồi. Dù chủ trương của tỉnh, của huyện là đúng nhưng với bà con không dễ bỏ được ngay” - ông Hùng nói. Ông Khoan - một đảng viên ở xóm Yên Lạc tiếp lời: “Thời gian này, cán bộ xã cực kỳ vất vả. Đảng viên chúng tôi cũng chịu nhiều áp lực. Các anh chị xem, ruộng người dân gieo, cấy trước, ruộng đảng viên xen kẽ đang nằm nguyên xi. Ít nữa đến khâu làm đất của mình, chúng tôi chỉ có thể khiêng máy đi qua ruộng của họ để mà làm thôi”.

Bỏ trà xuân sớm - huyện điểm gồng mình

Các ô mạ trên cánh đồng Quang Lộc

“Không chịu thất bại trước tình hình”, với quyết tâm đó, Quang Lộc đang chuẩn bị những giải pháp cứng rắn hơn. Trước hết là “canh gác” thật chắc để không có thêm diện tích gieo cấy phát sinh, đặc biệt bảo vệ nghiêm ngặt 115 ha diện tích cánh đồng mẫu. Song song với đó sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng thời áp dụng các biện pháp thủy lợi để người dân tự bỏ bớt diện tích lúa xuân sớm. Lãnh đạo xã và cả hệ thống chính trị chung một ý chí, quyết tâm xoay chuyển tình hình.

Thành quả, kinh nghiệm từ vụ đông xuân 2011-2012 đã giúp Can Lộc tiếp nối thành công ở vụ xuân này với phần lớn diện tích đất đang chờ trà xuân muộn. Thế nhưng, ngay khi hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đang tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động thì vẫn có ít nhất có 3 xã đã xuống giống với diện tích hàng trăm ha lúa xuân sớm. Từ thực tiễn ở huyện điển hình về chuyển đổi trà lúa vụ xuân này, có thể biết được cuộc cách mạng trên cánh đồng ở nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh đang cực kỳ gian khó, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn của cấp ủy, chính quyền các cấp để biến chủ trương lớn thành hiện thực

Theo baohatinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập238
  • Hôm nay43,925
  • Tháng hiện tại788,469
  • Tổng lượt truy cập91,962,198
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây