Tiến bộ mới
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, đến nay, SRI đang được áp dụng toàn phần hoặc một phần cho 85.422ha lúa tại 22 tỉnh, thành phố. Nhờ canh tác theo SRI, nông dân đã tiết kiệm được 2.500 tấn lúa giống, 1.700 tấn phân urê, giúp thu nhập tăng thêm 170 tỉ đồng/vụ. Tuy nhiên, cho tới nay, SRI mới được thực hiện ở miền Bắc và miền Trung, chưa được mở rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Dũng, từ năm 2002, Cục BVTV đã đến nhiều nước để tham quan, học hỏi mô hình SRI. Năm 2007, với sự tài trợ của Tổ chức Oxfam, Chi cục BVTV tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã phối hợp với HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa (Mỹ Đức) triển khai các hoạt động SRI dựa vào cộng đồng.
Theo đó, nông dân được tham gia các lớp học và cùng nhau thiết kế các thửa ruộng thử nghiệm. Ngay năm đầu, hơn 1.000 nông dân đã được tiếp cận với SRI, lợi nhuận ròng của những thửa ruộng này tăng thêm bình quân 2 triệu đồng/ha.
Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ nhiệm HTX Đại Nghĩa bày tỏ: “Thông thường, một khóm lúa cho 5 bông, nhưng lúa SRI cho 8-10 bông. Lúa thường có 100-120 hạt chắc, lúa SRI cho 180-200 hạt chắc. Làm SRI hay lắm, đánh trúng những vấn đề nông dân đang bức xúc trong sản xuất lúa gạo như chi phí sản xuất cao nhưng thu nhập thấp. Chưa kể canh tác theo phương pháp truyền thống bà con lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên đất bị chai, lúa sâu bệnh nhiều, năng suất thấp và môi trường bị ô nhiễm. Hiện, toàn bộ diện tích lúa của HTX Đại Nghĩa đã được trồng theo SRI”.
Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu
Từ năm 2009 đến nay, SRI đã được Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) lồng ghép vào dự án “Đưa lý thuyết vào thực tiễn – hỗ trợ nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu”. Sản lượng các ruộng lúa canh tác theo SRI tăng bình quân 9-15% so với phương pháp truyền thống, đồng thời tiết kiệm được 70-90% lượng giống, 20-25% lượng phân đạm và giảm 1/3 lượng nước tưới. Tần suất sử dụng thuốc trừ sâu giảm 45%, chi phí thuỷ lợi giảm 35%. Sự kết hợp giữa tiết kiệm đầu vào và tăng năng suất đã góp phần tăng thêm thu nhập gần 50%, tương đương khoảng 5,4 triệu đồng/ha/vụ. Canh tác SRI giúp tăng khả năng chống chịu của cây lúa trước những tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan (rễ ăn sâu, cứng cây...), đồng thời giảm được tỷ lệ lúa mạ chết do rét, úng, hạn. SRI cũng hạn chế được dịch hại phát triển; giảm tác động xấu đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính do giảm thuốc hóa học và phân đạm.
Ông Đặng Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện Bắc Kạn đang chỉ đạo triển khai SRI tại các huyện Na Rì, Chợ Mới và Ba Bể theo 5 nguyên tắc: gieo cấy cùng thời điểm để điều hòa lượng nước tưới theo từng thời điểm; cấy mạ non; cấy thưa một dảnh; sử dụng phân hữu cơ và bón phân cân đối; làm cỏ sục bùn bằng tay. Bắc Kạn là vùng khô hạn, nên việc canh tác SRI thích ứng với điều kiện thiếu nước tưới là hết sức cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc SRD cho rằng, SRI có lẽ là giải pháp tối ưu cho nông dân nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp dựa vào cộng đồng. Việc lạm dụng phân urê và cấy với mật độ dày là nguyên nhân chính làm cho cây lúa dễ bị sâu hại và dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Canh tác SRI cho phép quản lý nguồn tài nguyên đất và nước một cách bền vững, thậm chí còn làm tăng năng lực sản xuất của những nguồn tài nguyên này trong tương lai. Vì vậy, các địa phương nên nghiên cứu và nhân rộng phương pháp canh tác này.
Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) được Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) triển khai, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Oxfam đã vinh dự đứng đầu trong danh sách 56 sản phẩm tiêu biểu được giải thưởng Bông lúa vàng lần thứ nhất do Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng vào cuối năm 2012. Hiện thế giới đã có hơn 40 quốc gia áp dụng SRI. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã