Trồng cây hoa màu trên đất lúa
Đây là giải pháp được nhiều địa phương trong khu vực áp dụng. Tại Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích gieo trồng cây màu là 37.885,1ha, tăng 5.363,1ha so với năm 2014. Trong đó, cây mè tỏ ra thích hợp cho cơ cấu luân canh 2 lúa - 1 màu. Đây cũng là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, chịu được điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng. Ngoài ra, đậu nành, bắp, ớt… cũng được nông dân Đồng Tháp trồng ở nhiều diện tích lúa cho năng suất thấp. Theo đánh giá, sản xuất cây hoa màu trong vụ hè thu cho lợi nhuận cao hơn 1,6 - 15,5 lần so với trồng lúa.
Cán bộ Khuyến nông Trà Vinh kiểm tra sự phát triển của cây bắp.
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ quy hoạch chi tiết vùng sản xuất trên từng nhóm cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận cho người dân. Cụ thể, cây bắp trồng tập trung ở các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò, Lai Vung. Cây đậu nành tập trung ở các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, TP.Sa Đéc, TP. Cao Lãnh, Châu Thành. Cây mè tập trung ở các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh, phía Bắc huyện Hồng Ngự.
Đưa cây màu vào trồng trên đất lúa cũng là giải pháp tỉnh Trà Vinh chọn để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. ThS. Trương Văn Thương, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, cho biết, những năm qua, lực lượng khuyến nông đã xây dựng những mô hình trình diễn để đánh giá và nhân rộng như: 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa, trồng bắp lai trên đất lúa, trồng đậu phộng, trồng dưa hấu, rau màu trên đất lúa,… để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo đó, trong năm 2015, Trà Vinh đã chuyển đổi được 2.073ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại, đến nay đã thực hiện chuyển đổi được 4.994ha, gồm: bắp 2.373ha, đậu phộng 315ha, dưa hấu 288ha, rau các loại 1.373ha, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò 473ha. Ngoài ra, diện tích luân canh lúa - màu đạt trên 25.000ha. Một số mô hình tiêu biểu cho hiệu quả kinh tế cao như 2 vụ lúa – 1 vụ bắp lai đã chứng tỏ sự ổn định hơn so với trồng chuyên canh 3 vụ lúa/năm, đặc biệt là trên những vùng đất dễ xảy ra hạn hán thiếu nước trong vụ đông xuân và hè thu. Hiện, diện tích thực hiện chuyển đổi khoảng 2.500ha/năm. Mô hình 1 lúa - 2 màu được áp dụng trên các vùng đất triền giồng do thường xuyên bị thiếu nước nên trồng lúa năng suất thấp. Hiệu quả của mô hình cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa góp phần giảm được áp lực sâu bệnh hại trên lúa cũng như dưa hấu, cải tạo độ phì nhiêu của đất.
Tuy nhiên, theo ông Thương, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều bà con phát triển tự phát không theo quy hoạch. Vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tuy đã có sự gắn bó giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác, HTX với giá hợp lý nhưng số lượng còn quá ít. Thị trường và giá một số nông sản không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”.
Tại Long An, nông dân vùng Đồng Tháp Mười đầu tư sản xuất mè (vừng) luân canh trên đất lúa sau vụ đông xuân. Theo ông Trịnh Hoàng Việt, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, tuy đầu ra còn khó khăn nhưng mô hình cũng đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân, đồng thời giúp lúa hè thu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh tấn công và cho năng suất cao hơn các chân đất không có luân canh mè. Hiện, lợi nhuận tăng thêm của mô hình luân canh thêm 1 vụ mè giữa 2 vụ lúa đạt trên 16 triệu đồng/ha.
Sử dụng hiệu quả giống chịu hạn, mặn
Nông dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đưa cây màu xuống chân ruộng.
Dự báo, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2016. Vì vậy, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, các địa phương cần tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: Công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm nước ngọt trữ vào hệ thống kênh mương để trữ nước đảm bảo đủ nước khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Vận hành cống ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời. Nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... Theo dõi, giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình vừa đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về. Lựa chọn các giống chịu hạn mặn, sử dụng các loại cây trồng tốn ít nước. Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước ở những nơi có điều kiện. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang, cho biết, để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên các sản phẩm chủ lực, chọn khâu đột phá là “Tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân”. Chọn loại nông sản có lợi thế cạnh tranh, quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung như: lúa, mía, cây có múi, khóm, xoài, thủy đặc sản xuất khẩu,… Đẩy mạnh công nghiệp hóa trên từng cánh đồng thửa ruộng, trong đó tập trung cao cho cơ giới hóa, điện khí hóa thủy lợi, tưới tiêu để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Hiện đại hóa nông nghiệp trong quy trình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng theo hướng tổng hợp: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, SRI,… Cải tạo hạ tầng kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nghiên cứu, sử dụng các loại cây - con thích ứng với hạn hán, chịu ngập, chịu mặn,…
“Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh thì vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 có diện tích 41.000ha, trong đó vùng bị hạn 15.500ha, vùng bị hạn mặn là 25.500ha. Hiện tại, có 41.000/77.900ha lúa đông xuân đang phải bơm nước chống hạn. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần triển khai đồng bộ Kế hoạch số 101/KH- UBND ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh, trong đó lấy nội đồng trữ nước ngọt tối đa là chính, tăng cường công tác quan trắc độ mặn ở các vùng bị xâm nhập mặn để thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp và nhân dân có kế hoạch ứng phó hiệu quả. Điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, cụ thể: Vùng sản xuất lúa xuân hè chỉ xuống giống những nơi có hệ thống thuỷ lợi đạt chuẩn. Vùng sản xuất hè thu chính vụ xuống giống vào đầu tháng 5/2016. Thuỷ sản xuống giống tháng 5/2016. Vườn cây ăn quả phải có hệ thống trữ nước ngọt để tưới tiêu”, ông Đồng nói.
Ông Trương Văn Thương cho biết, thời gian tới, tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ cho từng mô hình, điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng: xây dựng các mô hình sản xuất tưới nước tiết kiệm, “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, luân canh lúa - màu, khuyến cáo sử dụng các giống chịu hạn, chịu mặn để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Tuyên truyền, khuyến cáo người dân chuyển đổi và bố trí mùa vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý; đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi trọng điểm nhằm phục vụ tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Hoàn chỉnh các công trình thuỷ lợi khép kín chống mặn xâm nhập, tăng cường công tác theo dõi cập nhập số liệu thời tiết thuỷ văn, độ mặn thường xuyên để lấy nước ngọt trữ phục vụ sản xuất. Tăng cường liên kết với các viện, trường để nghiên cứu, khảo nghiệm các giống mới, các quy trình kỹ thuật tiên tiến có khả năng chịu hạn, mặn tốt. Dành một tỷ lệ hợp lý kinh phí nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp…
Khánh Nguyên
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;