Quản lý nghề cá tại Nhật Bản được xây dựng và phát triển theo hai hướng. Thứ nhất là “Hệ thống quản lý cộng đồng nghề cá”, chủ yếu áp dụng với cộng đồng ngư dân khai thác ven biển quy mô nhỏ. Hướng thứ hai là “Hệ thống tổng sản lượng được phép khai thác” dựa trên Luật biển của Liên hợp quốc, áp dụng cho các loại cá di trú như cá thu đao, cá minh thái Alaska, cá ngừ, cá mòi, cá thu mackerel và cua Tanner. Tuy vậy, hệ thống quản lý nghề cá theo cộng đồng vẫn được coi là xương sống của ngành ngư nghiệp Nhật Bản.
Nhật Bản đẩy mạnh quản lý nghề cá theo cộng đồng trước tình trạng cạn kiệt của các ngư trường - Ảnh: Gettyimages
Sau năm 1945, Nhật Bản dưới quyền cai trị của quân đội chiếm đóng. Nhưng ngay từ thời gian đó, các chuyên gia trong ngành đã nỗ lực cống hiến nhằm tìm ra cách thức và quyền dân chủ trong việc sử dụng các nguồn lợi thủy sản cho ngư dân. Mục đích của luật quản lý khai thác thủy sản cũng là đặt lợi ích của ngư dân lên hàng đầu - đặc biệt là ngư dân trực tiếp tham gia khai thác quy mô nhỏ ven biển.
Để giảm thiểu xung đột lợi ích giữa ngư dân, đồng thời tạo ra sự hài hòa trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản giữa ngư dân và cải thiện năng suất khai thác; từ năm 1935, ông Kanichi Nomura, Cục trưởng Cục Quản lý nghề cá ven biển, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Nhật Bản đã đề xuất ý tưởng thành lập Cộng đồng hợp tác nghề cá để thu hút sự tham gia của ngư dân. Nhưng ý tưởng này chưa được hiện thực hóa vì chiến tranh thế giới thứ 2.
Trước đó, Luật thủy sản ban hành năm 1901 là bộ luật thủy sản đầu tiên tại Nhật Bản. Cũng trong năm đó, ngư dân bắt đầu sử dụng lưới kéo để khai thác xa bờ, nên hệ thống cấp phép khai thác được đưa thêm vào Luật thủy sản. Giấy phép khai thác được cấp cho ngư dân hoặc công ty, giới hạn số giấy phép khai thác, kích cỡ tàu cá và ngư cụ, ngư trường, mùa khai thác. Luật thủy sản 1901 đã tạo động lực cho ngư dân tự tổ chức Hội Nghề cá (FSs), và sau này phát triển thành Hiệp hội Hợp tác nghề cá (FCAs).
Từ những năm 1920, Nhật Bản đã bắt đầu tính đến việc cơ giới hóa hệ thống tàu khai thác thủy sản công suất nhỏ. Nhưng sự cải tổ này lại tạo ra một phản ứng tiêu cực đó là sự khai thác quá mức nguồn lợi ven biển và sự gia tăng mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm ngư dân.
Chính vì phát sinh nhiều bất cập, mà Luật thủy sản 1901 được cải tổ lại với nhiều sự trợ giúp từ ông Takashi Hisamune, luật sư và Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, thuộc Vụ Thủy sản từ năm 1947 - 1950. Trong luật sửa đổi, ông Takashi Hisamune đã cố gắng bổ sung các diều khoản đảm bảo tính dân chủ, khả thi hơn về ý tưởng thành lập Ủy ban Hợp tác nghề cá đã từng được ông Kanich Nomura đưa ra. Và mục đích của bộ luật sửa đổi vẫn hướng đến tính dân chủ và sử dụng tối ưu nguồn lợi thủy sản.
Ủy ban Hợp tác nghề cá (FCC)
Về hành chính, Nhật Bản được chia nhỏ thành 47 quận, mỗi quận lại có một FCC riêng biệt, đại diện cho ngư dân. FCC sẽ lên kế hoạch sử dụng nguồn lợi thủy hải sản một cách tối ưu và dân chủ.
Điều đáng lưu ý, FCC tồn tại độc lập và không phụ thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương, không phải là một bộ phận trực thuộc chính quyền. FCC hoạt động vì ngư dân và đại diện cho ngư dân. Trong Luật thủy sản cũng chỉ rõ những hệ thống cơ bản liên quan đến sản lượng khai thác như quyền khai thác và giấy phép khai thác. Mục đích, tăng sản lượng thủy sản bằng cách sử dụng các nguồn lợi thủy sản sẵn có của ngư trường dựa trên những kế hoạch căn bản do FCC vạch ra. Đây cũng là vai trò chủ đạo của FCC. Mỗi FCC có 15 thành viên, trong đó 9 thành viên là ngư dân trực tiếp tham gia khai thác, 6 thành viên còn lại gồm 4 người là nam giới có trình độ và kinh nghiệm liên quan đến thủy sản, 2 thành viên còn lại sẽ đại diện cho lợi ích cộng đồng.
FCC là tiếng nói và phản ảnh nguyện vọng của ngư dân; thông qua FCC, chính quyền địa phương sẽ cấp phép hoặc quyền khai thác cho ngư dân một cách xác đáng nhất. Có 3 loại quyền khai thác. Quyền chung, thường được cấp cho các FCA, áp dụng với nhóm không di trú gồm bào ngư, sò, tôm hùm, sò điệp, tảo biển… với hiệu lực trong 10 năm. Quyền nuôi cấp cho cả 1 vùng biển, thích hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản với thời hạn hiệu lực 5 năm. Quyền khai thác cho các tàu quy mô lớn với chiều sâu mực nước trên 27 m, đánh bắt cá ngoài khơi với thời hạn hiệu lực 5 năm.
Như vậy, từ năm 1950 khi Luật thủy sản hiện hành được áp dụng, ít ai nghĩ rằng nó lại phát huy hiệu quả đáng kinh ngạc trong quản lý hệ thống nghề cá theo cộng đồng (CBFM). CBFM phát triển thành công tại Nhật Bản cũng là nhờ sự hỗ trợ của khung pháp lý rõ ràng trong ngành thủy sản, mà điển hình là sự thiết lập các FCC; bởi ở đó, người ngư dân được trao quyền trực tiếp tham gia công tác xây dựng kế hoạch khai thác thủy sản hiệu quả và tối ưu.
>> Từ thập kỷ 50 đến những năm đầu thập kỷ 80, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc phát triển nghề cá biển trên phạm vi rộng lớn, gồm khai thác ven bờ, xa bờ và viễn dương. Nhật Bản dẫn đầu thế giới về công tác bảo vệ nguồn lợi và nhân giống thủy sản từ năm 1951. Các chính sách và hệ thống pháp luật về nghề cá và thương mại thủy sản cũng được hình thành và thay đổi cùng quá trình phát triển kinh tế xã hội. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;